Tham dự hội thảo có đại diện các nhà xuất bản có thế mạnh về xuất bản phẩm điện tử như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books), các nhà nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện Chiến lược Công an, Tạp chí Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng các cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản Thông tấn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phùng Thị Mỹ, Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn cho biết cuộc hội thảo lần này sẽ giúp làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; đưa ra những căn cứ chính trị, pháp lý của chuyển đổi số, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; phân tích các điều kiện để chuyển đổi số xuất bản thành công, các yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; chỉ ra được các nội dung của chuyển đổi số trong xuất bản, các tiêu chí đánh giá chuyển đổi số trong xuất bản; đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm chuyển đổi số của các đơn vị xuất bản đang phát huy hiệu quả, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng hoạt động xuất bản ở Việt Nam trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, nội dung xuất bản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của xã hội, góp phần tích cực vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, vững vàng về chính trị, chuyên sâu về nghiệp vụ. Số đầu sách xuất bản hàng năm được đầu tư xuất bản ngày một tăng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng ngày một đa dạng của mọi đối tượng bạn đọc và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài.
Xuất bản nước ta cũng đã có nhiều đổi mới về công nghệ, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, trong đó có hình thức xuất bản điện tử, đặc biệt là việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó có xuất bản phẩm điện tử (Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/6/2020 phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”). Cũng như đa số các lĩnh vực khác, bước vào thời kỳ Công nghiệp 4.0, xuất bản sẽ là lĩnh vực chịu nhiều tác động, mà nếu biết tận dụng thì sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.
Với dân số khoảng 100 triệu người và tỉ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam tính đến tháng 1/2023 đạt hơn 79% dân số, Internet và các thiết bị thông minh đang trở thành phương tiện chủ yếu để người đọc tiếp cận với thông tin nói chung và sách nói riêng khi Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng, trong đó đang có khoảng 30 triệu người sử dụng điện thoại di động thông minh hàng ngày. Sự phát triển nhanh chóng đó, vào thời điểm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với công cuộc chuyển đổi số càng có tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất bản.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, mà thấy rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết các nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện.
Tuy nhiên, chuyển đổi số cho đến nay vẫn là một khái niệm mới. Quá trình thực hiện chuyển đổi số có thể sẽ gặp phải nhiều thách thức như sau: Thách thức đến từ việc thay đổi được thói quen, cách thức làm việc của cá nhân, từ lãnh đạo đến các cán bộ, nhân viên; Văn hóa doanh nghiệp ngại thay đổi; Nhân lực chuyển đổi số thiếu hụt, cán bộ, viên chức chưa có đủ kỹ năng số cần thiết. Nhân sự cần được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kịp thời để bắt kịp các yêu cầu về; kỹ năng mới; An toàn, an ninh mạng, dữ liệu, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng có thể bị đe dọa nếu các biện pháp an toàn an ninh mạng không được đảm bảo; Ngân sách hạn hẹp; Chiến lược không rõ ràng: Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược tư duy truyền thống không còn phù hợp đối với mỗi đơn vị xuất bản. Lãnh đạo đơn vị cần thay đổi suy nghĩ của mình để có một chiến lược hoạt động ứng dụng công nghệ số hiệu quả…
Các đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời gian tới và hội thảo lần này là cơ hội để các đơn vị xuất bản cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp nhằm tạo kết quả hiện hữu, thiết thực trong chuyển đổi số xuất bản.
Trong bài phát biểu tổng kết hội thảo, Tiến sĩ Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thành viên đề tài đã ghi nhận và cảm ơn các tham luận, ý kiến trao đổi của các đơn vị xuất bản và các nhà khoa học về khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm, giải pháp trong quy trình chuyển đổi số xuất bản.
Với tư cách là Trưởng khoa Xuất bản - Đơn vị phối hợp thực hiện đề tài, Tiến sĩ Vũ Thùy Dương cam kết sẽ hỗ trợ tối đa trong quá trình Nhà xuất bản Thông tấn tiến hành quy trình chuyển đổi số. Khoa Xuất bản cũng khẳng định sẽ đồng hành cùng các nhà xuất bản, các đơn vị kinh doanh phát hành xuất bản phẩm trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong xuất bản hiện nay.