Video Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chia sẻ:
Kỳ họp thứ 7 đan xen nhiều nội dung với nhiều thay đổi về chương trình. Tôi cho rằng, đây là sự thay đổi phù hợp. Quốc hội đã thông qua nhiều sự thay đổi mà các đại biểu hài lòng, nhất là về công tác nhân sự; thể hiện bằng việc các đại biểu bấm nút tán thành với tỷ lệ cao.
Tại kỳ họp thứ 7 diễn ra với các hoạt động như lập pháp, giám sát các vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, bản thân nội tại các lĩnh vực này có nhiều chính sách tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội, cũng như đời sống người dân. Chẳng hạn như việc tiếp tục kéo dài chính sách thuế 2% để giúp doanh nghiệp vực dậy; Tăng mức lương cơ sở là kỳ vọng được nhiều người lao động làm trong khối dịch vụ công, người được hưởng lương cơ sở; Thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó quy định với nồng độ cồn đã tác động đến kinh tế - xã hội và các ngành nghề liên quan; Công tác lập pháp chú trọng nhiều chính sách với cơ chế đặc thù hay Đề án văn hóa được đưa ra thảo luận.
Tại Kỳ họp này, các thành viên Chính phủ, các cơ quan đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ngay cả quá trình xây dựng lập pháp các cơ quan có sự đồng hành rất sớm. Cụ thể, các cơ quan đã nhìn lại quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Điều đó có nghĩa là đã nhận thấy bất cập, khó khăn, từ đó trực tiếp đưa ra giải pháp triển khai ngay. Từ trước đến nay, bên cạnh khoảng trống pháp lý thì phần lớn vấn đề đặt ra ở câu chuyện còn nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, cần hiểu để áp dụng chính sách pháp luật, tổ chức triển khai theo người đứng đầu cơ quan thực hiện là rất quan trọng. Những vấn đề được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp, Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã nhận thức và đã thay đổi. Quốc hội thảo luận làm rõ hơn nhiều vấn đề và mở ra những vấn đề ngay bản thân tổ chức triển khai thực hiện hiểu chưa rõ, để nhận thức thêm vấn đề. Những vấn đề giám sát cũng vậy, vấn đề đã rõ, đã chín, đã được giải thích cụ thể tại Nghị trường Quốc hội thì không nên đưa vào nghị quyết. Những gì còn vướng mắc, bất cập, chưa làm hài lòng Đại biểu Quốc hội mới đưa vào Nghị quyết, yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện. Làm như vậy, Nghị quyết vừa gắn gọn, súc tích, vừa có chuyển biến rõ nét hơn sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành.
Tôi cho rằng, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công. Tôi cũng mong chờ là thông qua kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục nhìn nhận đánh giá để nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội đặt ra năm 2024 hoàn thành. Và là tiền đề để thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ mà các cử tri, nhân dân đặt ra. Điều này thể hiện tâm tư, nguyện vọng gửi tới các Đại biểu Quốc hội đã truyền tải trên nghị trường.
Có thể thấy, Nghị trường tại Kỳ họp thứ 7 rất sôi động. Đây kỳ họp bản lề giúp các đại biểu Quốc hội có cơ sở tiếp tục giám sát còn Chính phủ có dịp nhìn lại để có giải pháp và lộ trình thực hiện một cách tốt hơn.
Video Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH Bình Phước chia sẻ:
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tôi ấn tượng bởi sự mạnh dạn của Quốc hội trong việc thay đổi để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống theo kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp, cũng như những tác động xã hội.
Chẳng hạn như với kiến nghị đưa Luật đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn. Chính phủ đã trình Quốc hội, thay vì Luật có hiệu lực từ tháng 1/2025, đề nghị có hiệu lực từ tháng 7/2024 để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Nhưng khi thông qua Luật này, cần phải có văn bản, quy định kèm theo, phải có ít nhất 20 văn bản ban hành đáp ứng yêu cầu Luật này. Với thời gian như vậy, các địa phương sẽ không chuẩn bị kịp, Quốc hội đã lùi thời gian sang tháng 8/2024. Điều này cho thấy những nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, địa phương để cụ thể hóa những điều luật được thông qua với khối lượng công việc cực kỳ lớn.
Bản thân tôi cũng băn khoăn với những Nghị định quá gấp gáp, chất lượng có đảm bảo không? Vấn đề này cũng được đưa ra tại buổi thảo luận tổ. Khi Luật có hiệu lực từ 1/8/2024, mà Nghị định thông qua chưa đáp ứng đầy đủ, thì khó khăn đặt ra là: Luật hiện hành không hiệu lực nữa, mà Luật mới chưa thực hiện ngay được, dẫn đến khoảng trống. Như vậy, chưa thấy tác động mạnh mẽ của Luật mới như thế nào, mà khó khăn thì đã hiện hữu, không lường trước được. Tôi có đặt ra vấn đề này và nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cam kết phải có Nghị định trước ngày Luật có hiệu lực. Vấn đề quyết tâm cao, nếu quá gấp gáp chất lượng khó đảm bảo và đã chuyển quan ngại đó với Chính phủ. Chính phủ quyết tâm rất lớn là đã có chuẩn bị và hứa đảm bảo chất lượng theo mong muốn của đại biểu và cử tri.
Chất lượng làm luật gần đây của Quốc hội càng ngày đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Trước đây có nhiều dự án luật, có một số dự án luật ban hành chậm đi vào cuộc sống do phải chờ thời điểm ban hành, ban hành mà chưa phù hợp.
Hiện nay, việc thực hiện quy trình luật chuẩn, đòi hỏi Chính phủ chuẩn bị kỹ.Quốc hội thực sự đồng hành với Chính phủ. Những gì Chính phủ cần có quyết sách của Quốc hội theo luật thì Quốc hội sẵn sàng họp, họp bất thường để điều chỉnh bổ sung chương trình, đưa một số nội dung trình Chính phủ, Quốc hội xem xét và sẵn sàng bổ sung.
Kỳ họp thứ 7 là một minh chứng chất lượng Luật với cuộc sống, thông qua các nội dung, văn bản Quốc hội ban hành. Các dự án Luật được đánh giá cao tính thực tiễn, tính cụ thể để đáp ứng những gì cuộc sống cần để định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như hỗ trợ Chính phủ trong điều hành.
Video Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ:
Quốc hội khóa XV có nhiều sự kiện, nhiều yếu tố bất ngờ. Ngay từ đầu kỳ họp thứ nhất, chúng ta phải linh hoạt ứng phó với đại dịch COVID-19. Quốc hội khóa XV có một Nghị quyết đồng hành với Chính phủ khi đưa giải pháp đột phá về thể chế để ứng phó với đại dịch COVID-19, vừa chống dịch,vừa phục hồi hỗ trợ cho nền kinh tế, phát triển.
Kỳ họp thứ 7 cho thấy tính bổ ích và quyết sách nhiều vấn đề quan trọng. Đại biểu luôn sẵn sàng chia sẻ kiến nghị của Chính phủ, sẵn sàng tăng, kéo dài các buổi họp để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời còn là sự đồng bộ thể chế để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Kỳ họp thứ 7 đã làm được điều đó.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều yếu tố bất định, Quốc hội đã đề nghị với Chính phủ, Quốc hội thông qua nhiều cơ chế chính sách đặc thù dành cho địa phương, tăng phân cấp phân quyền. Có như vậy mới ứng phó được với biến động của tình hình kinh tế thế giới hiện nay.
Cụ thể, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Đồng thời, Quốc hội đồng thuận chia sẻ Chính phủ đưa ra giải pháp hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp; Tăng cường giảm thuế giá trị gia tăng, kéo dài thời gian giảm thuế. Cân nhắc áp dụng thuế giá trị gia tăng… Như vậy, người dân và doanh nghiệp đều được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
Chúng ta có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, giảm được chi phí đi lại, giảm thời gian để thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần nâng cao đời sống. Quốc hội tăng chi tiêu đầu tư công, tạo cơ chế thuận lợi cho việc thi công các tuyến đường cao tốc từ Bắc đến Nam thông suốt. Dù trước mắt còn có những thách thức, nhưng điểm nghẽn ở đâu sẽ cùng nhau tháo gỡ ở đó; giải quyết vấn đề đi lại của người dân. Làm sao để các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có tuyến đường một cách đồng bộ sẽ là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề tắc nghẽn hiện nay. Có như vậy, chúng ta đạt được đa mục tiêu, vừa là kinh tế phát triển, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ý kiến các đại biểu thảo luận với số lượng cao, tranh luận làm rõ những vấn đề còn có ý kiến trái chiều, giúp làm rõ những vấn đề của Luật...
Trong kỳ họp lần này, Quốc hội bàn thêm một số nội dung quan trọng như làm Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản... có đánh giá tác động môi trường, xem xét hoàn thiện tháo gỡ ách tắc từ thực tiễn. Quốc hội chia sẻ với Chính phủ theo hướng đồng tình, để đưa luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn từ 1/8/2024.