Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:

Làm rõ mô hình chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, ngày 31/10, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Đa số đại biểu đánh giá cao hồ sơ trình của Chính phủ đối với dự thảo nghị quyết này, cho rằng, đã đảm bảo đầy đủ điều kiện để trình Kỳ họp của Quốc hội theo quy định. Đại biểu cũng thống nhất cao về cách tiếp cận, phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự thảo Nghị quyết, nhất trí với chủ trương tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Song, nhiều đại biểu phân vân về việc hiện chưa sơ kết việc triển khai Nghị quyết số 35 của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù của thành phố Hải Phòng. Đại biểu đề nghị cần có báo cáo đánh giá sơ kết việc triển khai nghị quyết này, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với một số nội dung chưa triển khai thực hiện được.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), Nghị quyết 35 rất đầy đủ, rất nhiều nội dung cần phải làm, nhưng thành phố Hải Phòng không làm. Trong báo cáo, thành phố Hải Phòng chưa nêu hết các nguyên nhân một số chính sách đã có trong nghị quyết nhưng không làm, giờ ban hành thêm một nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 35 thì hơi vội vàng.

Sau Nghị quyết 35, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 899 năm 2023 về chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó quy định trách nhiệm của các địa phương, yêu cầu các địa phương phải thực hiện 6 nội dung liên quan đến kế hoạch thực hiện chiến lược nhân tài.

"Vì sao Hải Phòng không ban hành chiến lược để có nguồn nhân tài, nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, với các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép?", đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi.

Ông cũng chỉ ra nhiều nội dung phải đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, cần phải nghiên cứu bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 để ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Lâm Thành phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị đánh giá lại những mô hình đã quy định ở các thành phố trước đó, rút kinh nghiệm những chính sách nào có thể thực hiện được, những vấn đề còn vướng mắc, vướng ở đâu, tại sao, để quy định lại cho phù hợp. Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng có điểm giống như Thành phố Hồ Chí Minh ở mô hình thành phố trong thành phố, thành phố Thủy Nguyên cũng như thành phố Thủ Đức.

Dẫn chứng vừa qua, mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù nghị quyết đã quy định nhưng trong quá trình triển khai vẫn có những điểm vướng hoặc chậm không thực hiện, đại biểu Thành một lần nữa lưu ý phải xem xét, đánh giá rất kỹ để quy định cụ thể hơn, đầy đủ hơn, sát thực hơn dựa trên điều kiện thực tế của địa phương, để có thể triển khai một cách nhanh chóng và đồng bộ, đạt hiệu quả.

Đồng tình với Ủy ban Pháp luật là phải xây dựng một luật về chính quyền đô thị để luật hóa những quy định mang tính chất đặc thù trở thành quy định phổ quát, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu thực tế, hiện mỗi thành phố trực thuộc Trung ương lại có mô hình khác nhau. Ông cũng cho rằng, quy định các chức danh thuộc lực lượng quân sự, công an cấp quận, phường phải thực hiện theo tinh thần của luật, không nên hành chính hóa các chức danh này đưa vào Ủy ban.

Cũng có đại biểu bày tỏ phân vân về HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên, cho rằng cần nghiên cứu xem xét các quy định về thẩm quyền, chức năng của HĐND thành phố phù hợp với Luật Đầu tư công đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đặc biệt là việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B, C.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu quan điểm, thành phố Thủy Nguyên thì cũng áp dụng tương tự như thành phố Thủ Đức. Chúng ta nên triệt để phân cấp, quan điểm của Trung ương, của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tập trung vào phân cấp, phân quyền.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chính thức thống nhất thành lập thành phố Thủy Nguyên. Thành phố này sẽ trở thành một trung tâm hành chính mới và trung tâm kinh tế - xã hội của Hải Phòng. Đây cũng là một trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ, trung tâm công nghiệp để thay thế cho trung tâm hành chính hiện nay của thành phố Hải Phòng. Do vậy, đã thống nhất có mô hình thành phố trong thành phố và áp dụng cơ bản giống như mô hình của thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà cho biết trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ sẽ cân nhắc thêm về quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường cho phù hợp trong bối cảnh tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sắp xếp các cơ quan, đơn vị trong hệ thống.

Theo Ủy ban Pháp luật, nhiều ý kiến trong Ủy ban cho rằng quy định về việc tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường tại thành phố Hải Phòng mà không căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính là chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó và chưa thực sự tương đồng với một số địa phương khác cũng đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Do đó, đề nghị nghiên cứu, tham khảo quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, phường tại các địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị để quy định phù hợp với quy mô, tính chất và định hướng phát triển đô thị của thành phố.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương còn nhiều thách thức
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương còn nhiều thách thức

Không ít đại biểu còn băn khoăn khi các loại hình phát triển kinh tế của Huế chưa thực sự nổi bật, hiện thu ngân sách của địa phương chưa cao, chỉ đạt 11 nghìn tỷ đồng, so với các địa phương khác còn khiêm tốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN