Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; thân nhân gia đình đồng chí Lý Tự Trọng; các tầng lớp nhân dân và các thế hệ đoàn viên tỉnh Hà Tĩnh.
Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng
Diễn văn tại buổi lễ do Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trình bày đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, những cống hiến của Anh hùng Lý Tự Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thế hệ trẻ Việt Nam.
Đồng chí Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914 tại tỉnh Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan. Cha của Lý Tự Trọng là ông Lê Hữu Đạt, quê xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà; mẹ là bà Nguyễn Thị Sờm quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Những năm đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp mở rộng vơ vét, đàn áp các nước ở Đông Dương, gia đình của Lý Tự Trọng không cam chịu cảnh áp bức, bóc lột đã vượt núi cao Trường Sơn, băng qua sông Mekong đến đất Thái Lan kiếm sống và tham gia các hoạt động yêu nước.
Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Quảng Châu - Trung Quốc do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập quyết định chọn một số con em các gia đình Việt kiều yêu nước đưa sang Quảng Châu bồi dưỡng. Lê Hữu Trọng cùng bảy thiếu niên được lựa chọn, sau đó được đưa vào nhóm "Thiếu niên tiền phong Việt Nam".
Để bảo đảm hoạt động bí mật, tất cả các thành viên trong nhóm tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của Việt Nam được đổi sang họ Lý cùng họ với Lý Thụy, tên gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ. Từ đây, Lê Hữu Trọng mang tên Lý Tự Trọng.
Từ năm 1929, sau khi trở về Việt Nam, Lý Tự Trọng tham gia hoạt động cách mạng, liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ và xây dựng phong trào thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 8/2/1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức mít tinh, kêu gọi liên minh công - nông đòi tăng lương, giảm giờ làm. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đồng chí Phan Bôi đang diễn thuyết, Lý Tự Trọng đã bất chấp hiểm nguy, bắn chết tên mật thám Pháp. Thực dân Pháp truy lùng ráo riết và đã bắt sống được anh.
Trong quá trình giam giữ, dù bị tra tấn dã man nhưng kẻ thù không khai thác được thông tin gì ở Lý Tự Trọng. Trước phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 17 tuổi, Lý Tự Trọng đã dõng dạc nói: "Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác".
Khí phách hiên ngang, sự hy sinh anh dũng của Lý Tự Trọng là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hiệu triệu các thế hệ thanh niên Việt Nam lên đường tòng quân, chống giặc, giữ nước.
Thanh niên tiếp bước tinh thần anh Lý Tự Trọng trong thời kỳ mới
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Dù ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đồng chí Lý Tự Trọng đã để lại cho các thế hệ thanh niên Việt Nam một di sản to lớn và quý báu, đó chính là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và nhiệt huyết tuổi trẻ. Lịch sử và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, tự hào về ý chí quật cường, sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông, của Người đoàn viên số 1 Lý Tự Trọng với những "Thiên anh hùng ca bất diệt" để giành lại được hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc ta, non sông ta, đất nước ta.
Phó Thủ tướng cho rằng, con đường cách mạng của anh Lý Tự Trọng đã được các thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng quang vinh, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Nhấn mạnh, con đường cách mạng trong thời đại mới không chỉ dừng lại ở đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn là cuộc cách mạng về đổi mới sáng tạo, trí tuệ, khoa học công nghệ và hội nhập, phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thế hệ trẻ cần chuẩn bị hành trang để sẵn sàng đảm đương vai trò rường cột, tiên phong dẫn dắt đổi mới sáng tạo, phát triển, làm chủ công nghệ công nghệ mới, công nghệ nguồn; thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới, động lực mới đưa con tàu đất nước tiến nhanh về phía trước.
Thanh niên cần tiếp bước tinh thần dũng cảm, kiên định, không sợ khó khăn, thử thách của anh Lý Tự Trọng trong khởi nghiệp, sáng tạo để tạo dựng một thế hệ doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý trẻ năng động, bản lĩnh, hội nhập đặc biệt trên các lĩnh vực mới kinh tế mới nổi như phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, bắt kịp được với các xu thế phát triển mới của thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động, tập hợp thanh niên; mở rộng hợp tác, kết nối thanh niên toàn cầu; tạo lập môi trường để thanh niên phát huy nhiệt huyết, tinh thần hăng hái, sôi nổi, sáng tạo của tuổi trẻ, tôi luyện về bản lĩnh, trí tuệ; sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ chính trị quan trọng; đóng góp trong giải quyết những vấn đề phát triển của toàn cầu.
Tại buổi lễ, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy khẳng định, cuộc đời, tinh thần cách mạng và sự hi sinh anh dũng của anh Lý Tự Trọng đã để lại cho lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam nhiều bài học quý giá.
Noi gương anh Lý Tự Trọng và từ những lớp đoàn viên đầu tiên ấy, ngày nay, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có một đội ngũ hùng hậu với hơn 6 triệu đoàn viên, gần 21 triệu thanh niên. Sự lớn mạnh và phát triển của tổ chức Đoàn ngày nay là kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng cách mạng, của quan điểm "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết" mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã dày công gây dựng.
Tại buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo nội dung. Chương trình gồm 3 chương: Tuổi nhỏ hoài bão lớn; Đường cách mạng và Sáng mãi tên anh.
Nội dung chương 1 và chương 2 nói về khoảng thời gian gia đình anh Lý Tự Trọng cùng bà con rời quê hương sang Thái Lan sinh sống, sau đó đồng chí sang Trung Quốc học tập và hoạt động trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.
Trở về Việt Nam hoạt động, tháng 2/1931, để bảo vệ người đồng chí của mình, đồng chí Lý Tự Trọng đã rút súng lục bắn tên mật thám chết ngay tại chỗ. Đồng chí bị bắt và bị kết án tử hình.