Luật Giao dịch điện tử sẽ gỡ khó cho lĩnh vực chuyển đổi số

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần khơi thông điểm nghẽn và tạo điều kiện cho lĩnh vực chuyển đổi số được thuận lợi. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này.

Video đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trao đổi bên hành lang Quốc hội:

Thưa ông, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Vậy doanh nghiệp sẽ có những lợi thế gì trong lĩnh vực chuyển đổi số?

Theo tôi, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội vừa bấm nút thông qua đã đạt được mong muốn, nguyện vọng của doanh nghiệp làm về lĩnh vực chuyển đổi số. Chúng ta có thể hiểu Luật Giao dịch điện tử là luật xương sống cho lĩnh vực về chuyển đổi số. 

Tiếp theo đó, Luật Viễn thông đang được Quốc hội thảo luận cũng là luật có nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp, các ngân hàng, các sàn giao dịch ứng dụng vào việc chuyển đổi số trong thời gia tới. 

Theo tôi được biết, tới đây Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu và trình Quốc hội một luật nữa, đó là Luật Công nghiệp công nghệ số. Luật này cũng nằm trong chuỗi về chính sách pháp luật liên quan đến phát triển, chuyển đổi số quốc gia.

Ý kiến của ông về Luật Viễn thông (sửa đổi) như thế nào?

Về Luật Viễn thông (sửa đổi), tôi thấy về phạm vi điều chỉnh đã mở rộng ra, điều chỉnh ba loại hình dịch vụ mới.

Thứ nhất là về ứng dụng trung tâm dữ liệu. Thứ hai là về điện toán đám mây. Thứ ba là dịch vụ ứng dụng internet viễn thông mà quốc tế thường gọi là OTT. 

Tôi thấy việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định xem mở rộng như vậy chúng ta có quản lý được không, quản lý như thế nào. Nhất là lĩnh vực OTT chúng ta quản lý chất lượng ra sao. 

Theo tôi, Luật có thể điều chỉnh phạm vi quản lý áp dụng cho ba loại hình mới nên giao cho Chính phủ quy định ở cấp Nghị định sẽ linh hoạt hơn. Nếu chúng ta viết vào trong luật, sau này có những vướng mắc thì rất khó xử lý, vì trên thế giới không phải tất cả các nước đều điều chỉnh ba nội dung mới này trong Luật viễn thông, mà có thể họ điều chỉnh ở luật khác. 

Theo tôi, phạm vi điều chỉnh này nên quy định trong luật nhưng để áp dụng vào thực tế thì nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết ở cấp Nghị định sẽ linh hoạt hơn khi có vấn đề mới phát sinh xảy ra. Ngoài ba lĩnh vực như tôi đã đề cập ở trên thì chúng ta cũng chưa biết còn có lĩnh vực nào nữa không?

Ở nội dung về dữ liệu điện toán đám mây, nhiều người lo ngại liệu có thu hút được đầu tư của doanh nghiệp khi áp dụng các quy định của Luật sau khi sửa đổi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi thấy doanh nghiệp quan tâm và họ cũng có những vướng mắc. Khảo sát ở cơ sở cho thấy, doanh nghiệp gặp vướng mắc chủ yếu là khâu hạ tầng truyền dẫn. Nghĩa là doanh nghiệp xây dựng ra trung tâm dữ liệu nhưng để kết nối, chia sẻ thì lại cần phải kết nối vào hạ tầng viễn thông. Trong khi hạ tầng viễn thông đang giao cho VNPT quản lý, mà các doanh nghiệp viễn thông khi hoạt động lại luôn luôn cạnh tranh. 

Hiện ở Việt Nam có 3 - 4 doanh nghiệp viễn thông rất lớn, các doanh nghiệp viễn thông thường xây dựng các trung tâm dữ liệu độc lập. Bây giờ có thêm các doanh nghiệp tư nhân cũng xây dựng các trung tâm dữ liệu khi muốn đấu nối hạ tầng truyền dẫn phải áp dụng đơn giá ở mức cao, gây ra chi phí lớn và thiệt hại đến đầu tư của các doanh nghiệp. 

Đó cũng là một trong những khúc mắc mà chúng tôi đi khảo sát ở các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu hoặc điện toán đám mây thường nhận được phản hồi lo ngại về vấn đề kết nối đường truyền.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Vậy theo ông giải pháp của vấn đề hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp này sẽ như thế nào?

Để giải quyết bài toán này thì trong dự thảo Luật có một chương mà chúng tôi mong muốn cơ quan soạn thảo, nhất là cơ quan thẩm tra dự thảo Luật tiếp thu những ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội đề xuất vấn đề hạ tầng viễn thông là nên giao cho Nhà nước quản lý, đầu tư, nó giống như đường truyền tải điện hay hạ tầng đường sắt cũng vậy. 

Hạ tầng viễn thông cũng nên giao cho nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương quản lý, tức là doanh nghiệp đầu tư xây dựng xong sẽ phối hợp với ngành tài chính để xác định đơn giá. Khi đã có hạ tầng, doanh nghiệp nào muốn thuê, đáp ứng được đơn giá thì thuê. Như thế không còn bị độc quyền.

Còn như hiện nay, hạ tầng viễn thông đang giao cho một doanh nghiệp nhà nước, trong khi doanh nghiệp ấy vừa làm, vừa cung cấp dịch vụ và họ cũng chỉ muốn tập trung phục vụ họ mà thôi. Họ không muốn phục vụ doanh nghiệp khác, bởi bị cạnh tranh. 

Tôi nghĩ rằng theo tinh thần Báo cáo của cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nên giao việc xây dựng hạ tầng đó cho Nhà nước quản lý và làm đầu mối. Sau đó, khi cung cấp dịch vụ mà các doanh nghiệp đáp ứng được đơn giá và các điều kiện thì doanh nghiệp được vào đó để kết nối.

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bài, ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức
Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 22/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), với 4/477 phiếu tán thành (tương đương 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN