Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự, phát biểu chỉ đạo. Dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cùng các Uỷ viên Trung ương Đảng và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các vị khách quốc tế.
Về phía Bộ Công an, có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ lãnh đạo chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Trong thư, Tổng Bí thư gửi lời thăm hỏi ân cần, sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng của lực lượng cảnh sát nhân dân, đồng thời, chúc mừng và biểu dương những thành tích, đóng góp to lớn mà lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đạt được trong suốt 60 năm qua.
Tổng Bí thư tin tưởng, với truyền thống 60 năm Anh hùng đầy tự hào, lực lượng Cảnh sát nhân dân sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu với ý chí, quyết tâm cao hơn nữa, với tinh thần đổi mới; năng động, sáng tạo nhiều hơn nữa, đi đầu trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, với Tổ quốc và Nhân dân. Tiếp tục lập được nhiều chiến công mới, to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển Đất nước ta ngày càng phồn vinh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc.
Trình bày diễn văn ôn lại truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ: Ra đời trong khí thế cách mạng tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát nhân dân đã làm tốt nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ các cơ quan, công sở, trấn áp bọn lưu manh côn đồ, khắc phục tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ chính quyền non trẻ.
Cùng với sự phát triển của cách mạng, lực lượng Cảnh sát nhân dân không ngừng được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, xây dựng. Đặc biệt, ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc Lệnh số 34 công bố các Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ cấp bậc hàm sỹ quan, hạ sỹ quan của Cảnh sát nhân dân. Đây là một mốc son lịch sử của lực lượng Cảnh sát nhân dân và cũng từ đó, Ngày 20/7 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của toàn lực lượng.
Trình bày diễn văn ôn lại truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ: Ra đời trong khí thế cách mạng tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát nhân dân đã làm tốt nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ các cơ quan, công sở, trấn áp bọn lưu manh côn đồ, khắc phục tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ chính quyền non trẻ. Cùng với sự phát triển của cách mạng, lực lượng Cảnh sát nhân dân không ngừng được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, xây dựng. Đặc biệt, ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc Lệnh số 34 công bố các Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ cấp bậc hàm sỹ quan, hạ sỹ quan của Cảnh sát nhân dân. Đây là một mốc son lịch sử của lực lượng Cảnh sát nhân dân và cũng từ đó, Ngày 20/7 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của toàn lực lượng.
Những đóng góp to lớn của lực lượng Cảnh sát nhân dân thể hiện rất rõ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng Cảnh sát nhân dân tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, xây dựng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, cán bộ. Đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân được bố trí theo hướng tập trung, chuyên sâu, thống nhất, xuyên suốt từ Bộ đến cơ sở theo mô hình Công an 4 cấp “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, làm nòng cốt trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trung bình mỗi năm gần đây, lực lượng Cảnh sát nhân dân điều tra khám phá 50.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội; 20.000 vụ phạm tội về ma túy; 34.000 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao. Tỷ lệ điều tra khám phá các loại án hình sự đạt trên 75%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%, đặc biệt đã chủ động phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá là “điểm sáng”, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn vừa qua…
Đặc biệt, trong hai năm gần đây, cùng với toàn lực lượng Công an nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tăng cường hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, cùng toàn lực lượng Công an nhân dân tạo nên “Lá chắn thép phòng, chống dịch COVID19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng, tự hào trước chặng đường lịch sử chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn gắn liền với những trang sử hào hùng, vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, của dân tộc, của cách mạng và sự phát triển của đất nước, cuộc sống bình yên của Nhân dân. Trong 60 năm từ ngày 20/7/1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã dày công xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, phát triển lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Trên chặng đường vẻ vang và gian nan đó, có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương, mất một phần xương máu của mình để bảo vệ Nhân dân. Ngay cả khi đất nước hòa bình, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, máu đào của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đang đổ xuống.
“Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Những thành công đó có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát Nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương.
Thủ tướng nêu rõ: Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn. Với vai trò nòng cốt, chủ công, Lực lượng Cảnh sát nhân dân cần nhận thức sâu sắc bối cảnh tình hình, tích cực đổi mới tư duy, hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp; khắc phục những mặt còn hạn chế, khuyết điểm và thực hiện thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng mong muốn mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng phải quán triệt sâu sắc, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an và sự giám sát của nhân dân. Lực lượng Cảnh sát nhân dân tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Coi trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; nâng tầm văn hóa, tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của người Cảnh sát nhân dân bản lĩnh, dũng cảm, nhân văn, có "trái tim nóng, cái đầu lạnh, đôi chân vững chắc, có bàn tay sạch và biết trọng danh dự" vì “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn lực lượng Cảnh sát nhân dân tiếp tục tập trung nắm chắc, phân tích, dự báo đúng tình hình, làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, nhất là tham mưu chiến lược và tham mưu cơ chế chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; góp phần tích cực, hiệu quả xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân cũng thực hiện tốt chức năng trực tiếp chiến đấu, phòng chống tội phạm, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quán triệt phương châm công tác: Phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Phòng ngừa xã hội là căn bản, quyết định; phòng ngừa nghiệp vụ là quan trọng, cần thiết. Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống “giặc nội xâm”, tham nhũng, tiêu cực. Bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Luôn tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo lực lượng Cảnh sát nhân dân tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với cơ quan cảnh sát các nước, các tổ chức quốc tế về phòng, chống tội phạm, tạo thế trận tổng hợp, liên hoàn, chủ động từ sớm, từ xa trong phòng, chống tội phạm. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế; có kế hoạch cử cán bộ Cảnh sát tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, góp phần tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của Công an nhân dân Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, lực lượng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; để nhân dân được thụ hưởng những thành quả của sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế. Lực lượng Cảnh sát nhân dân cần tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa với các lực lượng khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan, tập trung xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng vững chắc để triển khai các chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân tiếp tục ưu tiên các nguồn lực hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân trong tình hình mới thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, pháp luật, giỏi công nghệ, biết ngoại ngữ; có văn hóa và nhân văn cao đẹp. Tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng vững chắc, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, dựa vào sức mạnh vô địch của Nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân sẽ phát huy cao độ truyền thống anh hùng với tinh thần mới, khí thế mới, động lực mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tiếp tục lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - Vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì khát vọng phồn vinh và bình yên, hạnh phúc của nhân dân.