Ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025". Tiếp đó, tối 5/10, phát biểu tại lễ phát động Chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi”, Thủ tướng nhấn mạnh: Nhân dân ta có câu "An cư lạc nghiệp". Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng: Không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Bằng nhiều hình thức hỗ trợ đối với người nghèo, trong nhiều năm qua trên cả nước đã có hơn 1,7 triệu ngôi nhà mới được hoàn thành, đáp ứng tiêu chuẩn "3 cứng": nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng, tuổi thọ căn nhà là từ 20 năm trở lên.
Tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn khoảng hơn 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng”. Mục tiêu của chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm từ tháng 10/2024 đến cuối năm 2025 là hỗ trợ nhà ở cho người có công gặp khó khăn về nhà ở (khoảng 200.000 căn) bằng nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (hơn 153.000 căn).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi cả hệ thống chính trị, đồng bào, đồng chí, cộng đồng doanh nghiệp cả nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa với tình dân tộc, nghĩa đồng bào, "ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít".
Với mức 50 triệu đồng đối với nhà xây mới, 25 triệu đồng để sửa chữa nhà ở thì cả nước cần hơn 6.500 tỷ đồng. Đây là con số lý thuyết, còn trong bối cảnh giá cả vật tư, nhân công tăng cao như hiện nay thì tổng kinh phí để xây dựng nhà kiên cố thực sự sẽ lớn hơn rất nhiều.
Cái mốc hết năm 2025 không xa trong khi khối lượng công việc còn rất nhiều nên toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội phải đồng lòng quyết tâm thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì nguồn lực xã hội hóa đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời cách làm của các địa phương cũng phải linh hoạt sáng tạo, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc và đúng đối tượng thụ hưởng.
Việt Nam nói được là làm được. Chúng ta từng thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tháng 12/2021, tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố: “Lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”.
Ngày 18/11/2024, tại Rio de Janeiro (Brazil), trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ phát động Liên minh toàn cầu chống đói nghèo.
Phát biểu tại Phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo, Thủ tướng Việt Nam nêu rõ: “Từ một nước nghèo đói, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau gần 40 năm chiến tranh, 30 năm bị bao vây cấm vận, với đường lối đổi mới, chúng tôi đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm; đi đôi với việc khắc phục thiếu hụt về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, môi trường sống…
Vì vậy, Việt Nam đã về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; là hình mẫu thành công trong hàn gắn, khôi phục lại vết thương chiến tranh; xóa đói, giảm nghèo.
Việt Nam đã vươn lên thuộc nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhất là lúa gạo.
Từ thực tiễn Việt Nam, chúng tôi muốn chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm quý. Một là không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hai là đặc biệt coi trọng an ninh lương thực và xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Ba là lấy con người làm trung tâm, chủ thể; ưu tiên đầu tư cho con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Vào năm 1993 hộ nghèo ở nước ta chiếm tới 58,1%, đến năm 2015 chỉ số này là 9,88%, đến năm 2023 số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,93% và xuống khoảng 1,9% vào năm 2024. Việt Nam đã trở thành một trong các hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo.
Nghèo đa chiều là tình trạng con người không được đáp ứng ở mức tối thiểu các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác.
Chuẩn nghèo đa chiều bao gồm 2 tiêu chí: Tiêu chí về thu nhập và Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều) là việc làm - y tế - giáo dục - nhà ở - nước sinh hoạt và vệ sinh - thông tin.
Năm 2022 là thời điểm lần đầu tiên Việt Nam áp dụng đầy đủ, toàn diện chuẩn nghèo đa chiều. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta xác định chuẩn thu nhập là mức sống tối thiểu của người dân tính theo bình quân cả nước: khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.
Văn phòng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá rằng Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các mục tiêu toàn cầu ở châu Á.
Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến xóa nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã giảm chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.