Một luật sửa bốn luật: Yêu cầu cấp bách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh

Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Mục đích của dự thảo Luật nhằm tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, những quy định sửa đổi phải được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ những nội dung được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật lần này.

Theo đó, về sửa đổi Luật Quy hoạch được sửa đổi một số nội dung của Luật Quy hoạch như sau: quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt.

Quy định “quy hoạch đô thị và nông thôn” là "quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” để phù hợp với tính chất của loại quy hoạch này và đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Cùng với đó, cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch để tạo cơ chế linh hoạt khi sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch.

Đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch, xác định trách nhiệm tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch và phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập quy hoạch, tránh trùng lặp trong hoạt động lập quy hoạch.

Đặc biệt, phân quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và bổ sung quy định điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch để tạo chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch...

Về sửa đổi Luật Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Luật này sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư như sau: phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt và dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới) nhằm tạo chủ động cho các địa phương.

Bên cạnh đó, quy định việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị và nông thôn theo hướng đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu. Trường hợp dự án được đề xuất tại khu vực không phải lập hoặc đang triển khai lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch phân khu phải điều chỉnh và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung.

Cùng với đó, quy định việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 3 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy (dự kiến có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm: Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật này sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư như sau: về lĩnh vực và hình thức hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP, khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. 

Cùng với đó, bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.

Bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.

Về cơ chế tài chính đối với dự án PPP. Áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.

Đặc biệt, phân cấp cho Hội đồng thẩm định cấp cơ sở thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (thay vì Hội đồng thẩm định liên ngành như quy định).

Về sửa đổi Luật Đấu thầu, luật này sửa đổi một số nội dung của Luật Đấu thầu như sau: cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.

Bên cạnh đó, cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

“Luật này sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Thúy Hiền - Văn Giáp (TTXVN)
Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về các dự thảo luật
Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về các dự thảo luật

Ngày 30/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; thảo luận tại Hội trường dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN