Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2564, dương lịch 2020 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam như một lời nhắc nhớ mỗi Phật tử về một mùa Phật đản đặc biệt trong hơn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam - mùa Phật đản trong đại dịch COVID-19.
Trong Thông điệp này, Đức Pháp chủ dẫn dụ câu chuyện để dạy người dân nước Bản Kỳ (theo tiếng Ấn Độ là Vajji) chống giặc, xây dựng đất nước cường thịnh, Đức Phật đã chỉ dạy ngài Ananda: “Này Ananda, khi nào nhân dân nước Vajji tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này Ananda, nhân dân nước Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm… Này Ananda, khi nào nhân dân nước Vajji không tự ý ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được nhà nước ban hành, sống đúng với truyền thống của người dân Vajji như đã ban hành thuở xưa, này Ananda, nhân dân nước Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
Những lời dạy của Đức Phật về sự đoàn kết, sự đồng thuận xã hội đó được ghi trong Kinh Trường Bộ (Digha Nikaya), phẩm Đại Bát Niết Bàn vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta ngày hôm nay, khi nhân loại đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19, đương đầu với virus SARS-CoV-2 hoành hành trên toàn cầu, tác động sâu sắc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của tất cả các quốc gia. Dù là vô hình và siêu nhỏ, song SARS-CoV-2 đã làm cho trên 3 triệu người bị nhiễm bệnh và hàng vạn người tử vong. Nó đã thực sự làm cho thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Nhân loại thực sự phải thức tỉnh trước đại dịch này.
Mùa Phật đản năm nay thật đặc biệt. Vẫn băng rôn, khẩu hiệu, vẫn nghi thức tắm Phật truyền thống trang nghiêm, đáp ứng niềm tin tâm linh mà những người con Phật mong đón hàng năm trong dịp kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, nhưng không xe hoa rước tượng Phật, không đông đúc rộn ràng - một mùa Phật đản trong yêu cầu giãn cách xã hội. Tuần lễ Phật đản không chỉ là dịp chúc mừng Đức Phật đản sinh, mà còn là tuần lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện cho bệnh dịch tiêu trừ, cho mọi người có năng lượng, niềm tin để khôi phục lao động sản xuất, ổn định đời sống.
Thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, theo lời kêu gọi của Ban Tôn giáo Chính phủ và thông tư hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2564, dương lịch 2020 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức lễ đài tập trung đông người, không tổ chức rước xe hoa, các chương trình nghệ thuật chào mừng và các hình thức khác có đông người tham gia, nhưng không vì thế mà Đại lễ Phật đản vơi đi ý nghĩa tâm linh. Niềm tin vốn có trong mỗi người con Phật thức tỉnh họ làm những điều “lợi lạc quần sinh”, vì một xã hội, một cộng đồng bình yên, nên dù không đến chùa làm lễ tập trung, dù đón mừng Phật đản qua mạng xã hội, họ vẫn hoan hỉ. Đó chính là việc làm thiết thực nhân ngày Phật đản thiêng liêng.
Nói về ý nghĩa lễ Phật đản, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết, Đại lễ năm nay đúng vào bối cảnh đất nước ta cũng như trên toàn thế giới đang vất vả chống chọi với đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người nhiễm bệnh và hàng nghìn người tử vong. Đồng thời nhân loại đang gánh chịu những tác hại to lớn của tình trạng biến đổi khí hậu trên khắp hành tinh. Tại Bắc cực cũng như Nam cực, các núi băng đang tan chảy từng ngày làm cho nước ở các đại dương dâng cao. Riêng tại Việt Nam, những tác hại ấy ngày càng rõ ràng và nặng nề hơn. Đi trước tầm nhìn của các nhà khoa học, Đức Phật đã thấu suốt sự quan trọng của thiên nhiên đối với đời sống con người, nên Ngài luôn yêu quý và bảo vệ thiên nhiên.
Theo Hòa thượng, trước vấn nạn thiên tai, dịch họa đang hoành hành, Phật tử cần nhớ lời Phật dạy: “Thiên tai, dịch họa không do thần linh nào ra tay giáng họa cho con người, mà chính do con người với lòng tham vô độ và với hành vi tàn phá thiên nhiên trong nhiều thập kỷ qua, đến nay đã kết thành quả xấu mà chính con người phải gánh chịu”. Mỗi người không nên trông chờ vào sự cứu rỗi của bất cứ thần thánh nào, mà cả nhân loại phải nhận trách nhiệm về hậu quả do con người gây ra và dũng cảm đương đầu với mọi khổ đau do thiên tai, dịch họa mang lại. Chỉ khi nào nhân loại biết “Thiểu dục, tri túc” (giảm bớt ham muốn và biết đủ) như lời Phật dạy, bớt sống ích kỷ hưởng thụ, bớt tàn phá thiên nhiên, bớt đi gây chiến tranh với quốc gia khác, bớt chế tạo vũ khí nguyên tử, vũ khí sinh-hóa để giết nhau…, thì môi sinh trên trái đất mới trở lại hiền hòa, những thứ virus độc hại mới không sinh ra nữa.
“Lời dạy của Đức Phật về từ bi, vị tha, hòa hợp… dường như bị lãng quên, thậm chí bị nhạo báng, cho rằng những điều Phật dạy là “cản trở sự tiến bộ của xã hội loài người”. Nhưng chỉ có khổ sở trong hoạn nạn, khó khăn trong đại dịch, con người mới cảm nhận được tình thương, sự chia sẻ, sự chung sức, chung lòng của cộng đồng trong xã hội là quý báu biết chừng nào. Bây giờ, thế giới mới thấy rõ và công nhận: Nơi nào mọi người trong xã hội có tình thương, biết chia sẻ và biết hòa hợp, đoàn kết thì nơi đó việc chống lại đại dịch COVID-19 đem lại kết quả tốt đẹp”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phân tích.
Từ những nhận định trên, Hòa thượng kêu gọi toàn thể tăng, ni, Phật tử hãy cùng thực hiện tốt những quy định và hướng dẫn của Chính phủ, ngành y tế và công văn chỉ đạo của Trung ương Giáo hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19, cùng hòa hợp, tương thân, tương ái chia sẻ những phần quà thương yêu đến với những người còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Các tăng, ni giảng sư phát tâm thuyết giảng phát trực tuyến đáp ứng nhu cầu tu tập của tăng, ni, Phật tử trong và ngoài nước, cùng nỗ lực chung tay góp sức trong công tác phòng, chống đại dịch.