Khoảng 100 đại biểu đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, chuyên viên phụ trách công tác dân tộc, dân chủ - pháp luật, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và người uy tín tiêu biểu của 12 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã nỗ lực xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, tập trung vào lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, trong đó hoạt động giám sát chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua là một trong những nội dung được MTTQ các cấp quan tâm triển khai và đã thu được một số kết quả tích cực.
Việc tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về công tác dân tộc, nghiệp vụ, quy trình giám sát của MTTQ Việt Nam, kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, công tác dân chủ - pháp luật, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, người uy tín tiêu biểu.
Tại Hội nghị, các đại biểu được báo cáo viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam truyền đạt kiến thức 5 chuyên đề gồm: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Công tác Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban MTTQ Việt Nam; Công tác thông tin, tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của MTTQ Việt Nam; Tổng quan về Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030; Giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I từ năm 2021-2025.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2021, với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 137.664 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 104.954 tỷ đồng, ngân sách địa phương 10.016 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp 2.967 tỷ đồng.