Tại các Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong - là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, hiện có rất nhiều hộ dân đang sống trong cảnh tạm bợ do nhà cửa, tài sản, lương thực trong gia đình bị ngập hoặc bị nước cuốn trôi, ngoài duy trì việc quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò và các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, chính quyền các địa phương cũng đang tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳ Châu đã ra lời kêu gọi ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đến sáng 30/9, đã có một số tổ chức, cá nhân ủng hộ với số tiền hơn 400 triệu đồng cùng nhiều hiện vật khác, như mì tôm, nước lọc, thuốc chữa bệnh, sách vở cho học sinh...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tiếp tục rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sau, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét; kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói. Các địa phương kịp thời bố trí chỗ ở tạm cho các hộ gia đình bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.
Tại Nghệ An, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế - xã hội. Đến sáng 30/9, đã có một người chết; 2.267 nhà đang bị ngập, 952 nhà bị cô lập; thiệt hại 2.867 ha lúa, 3.945 ha hoa màu, 3.888 ha cây công nghiệp, 4.286 ha cây hàng năm; 578 con gia súc và 25.927 con gia cầm bị chết; 40 cống bị cuốn trôi, 8 cầu bị hư hỏng... Tại khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn đang xuất hiện 2 vết nứt có chiều dài 50 m, chiều rộng 30 cm, lún sâu gần 1 m.