Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới".
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy Học viện Báo chí Tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng Trường, tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra nhiều thách thức mới cho nền báo chí - truyền thông của Việt Nam hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải "xây dựng nền báo chí - truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng cần được phổ biến, vận dụng, phát huy trong bối cảnh phát triển mới. Đây là những vấn đề rất khó, phức tạp và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá thực trạng vận dụng và phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới hiện nay một cách khách quan, toàn diện, hệ thống.
Tọa đàm tập trung đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, từ đó các đại biểu tập trung đi sâu phân tích những vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển báo chí truyền thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; bản lĩnh nhà báo cách mạng trong cuộc đấu tranh chống tin giả; nêu cao đạo đức, trách nhiệm của nhà báo trong giai đoạn hiện nay.
Nhà báo Trương Văn Chuyển, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển ngành Báo chí - Truyền thông Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Vai trò của báo chí trong phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao tinh thần yêu nước, trung thành với sự nghiệp cách mạng vì lợi ích của nhân dân; các quy tắc đạo đức nghề nghiệp mà người làm báo phải tuân thủ; trách nhiệm của Hội Nhà báo trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí theo đúng nguyên tắc Đảng, pháp luật quốc tế để nâng cao uy tín của người làm báo Việt Nam...
Theo ông Trương Văn Chuyển, thời gian qua, có trường hợp một số cơ quan báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ; thông tin nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Đáng lưu ý là tình trạng xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo, trong tác nghiệp thiếu cẩn trọng trong việc đưa thông tin, chưa xác định được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình... gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh những người làm báo chân chính và thương hiệu của cơ quan báo chí.
Thực hiện chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ luôn quan tâm phối hợp với các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí; tổ chức cho hội viên, nhà báo nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Đảng bộ thành phố Cần Thơ. Hội thực hiện nghiêm quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; thể hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của người làm báo, tận tụy với nghề nghiệp; tạo ra nhiều tác phẩm báo chí hay, có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt gần đây, Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ tập trung triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của của người làm báo tại các cơ quan báo chí thành phố, góp phần hoàn thiện hơn về phẩm chất đạo đức, văn hóa của người làm báo Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ, nhìn từ quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí, đối chiếu với thực tiễn báo chí của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tờ báo Đảng địa phương nói riêng và báo chí nói chung trong việc cung cấp thông tin vì sự nghiệp phát triển chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực báo chí đúng chuyên môn, nghiệp vụ cho khu vực này. Thực tiễn đã cho thấy phần lớn các nhà báo tại Đồng bằng sông Cửu Long rất ít được đào tạo đúng chuyên ngành Báo chí. Nhiều nhà báo được đào tạo từ những ngành nghề khác nhau rồi “bén duyên” với nghề báo, trở thành những nhà báo chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết, cả nước hiện có 9 cơ sở đào tạo ngành Báo chí, trong đó miền Bắc có 5 trường, miền Trung 2 trường và miền Nam 2 trường. Đến cuối năm 2023, Việt Nam có khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có trên 7.500 người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành Báo chí. Theo Tiến sĩ Oanh, tỷ lệ này khá thấp so với yêu cầu về tính chuyên môn hóa của ngành nghề.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng: Cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh truyền thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại; hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về báo chí truyền thông trong thời kỳ đổi mới; tăng cường quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, dành nguồn lực tương xứng cho phát triển báo chí truyền thông…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc khẳng định, những phát hiện mới, đóng góp mới vào việc đánh giá một cách khách quan, toàn diện việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới sẽ giúp Ban Chủ nhiệm đề tài có những kiến nghị, đề xuất kịp thời với Đảng, Nhà nước trong quản lý, phát triển hoạt động báo chí - truyền thông trong thời kỳ mới.