Sự kiện được tổ chức đúng dịp 100 năm ngày sinh của ông (5/11/1924 - 5/11/2024); đồng thời hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025), 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025.
Nhà báo Lý Văn Sáu là một trong những gương mặt tiêu biểu, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời, ông làm báo và có nhiều cống hiến trên lĩnh vực thông tin-tuyên truyền đối ngoại, xây dựng ngành phát thanh và truyền hình, thông tấn. Ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên mặt trận chính trị-ngoại giao phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Nhà báo Lý Văn Sáu là một trong những nhà báo thuộc lớp trí thức đã dành trọn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước. Dù ở vị trí nào, nhà báo Lý Văn Sáu cũng đặt nhiều tâm huyết, hiến dâng trọn vẹn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lý Văn Sáu đã chứng minh cho phẩm chất cao quý của một nhà báo cách mạng, một nhà báo chiến sỹ, sống và làm việc vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của nhân dân.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh: "Những tọa đàm, trưng bày chuyên đề về các nhà báo lão thành cách mạng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đóng góp, những di sản to lớn của các thế hệ đi trước, để lại cho mai sau. Đây cũng là sự khơi gợi, nhắc nhở, khích lệ cho thế hệ trẻ hôm nay, với lòng tự hào, nhân lên những khát vọng, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong hành trình đổi mới và hội nhập".
Dưới sự điều hành của các chủ tọa: Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng, các diễn giả là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các cơ quan báo chí, chuyên gia lịch sử, ngoại giao, nhà báo lão thành... đã phát biểu khẳng định vai trò của nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, một trong những tên tuổi đã trực tiếp góp phần làm nên lịch sử báo chí và ngoại giao cách mạng, lịch sử chiến tranh cách mạng, lịch sử đất nước và dân tộc.
Nhà báo lão thành cách mạng, nhà hoạt động ngoại giao Lý Văn Sáu (tên thật là Nguyễn Bá Đàn) sinh ngày 5/11/1924 tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An). Từ nhỏ, ông được theo học tại Trường Quốc học Huế và tham gia truyền bá chữ Quốc ngữ tại quê hương.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia Thanh niên cứu quốc tại thành Diên Khánh, sau đó được giao nhiệm vụ làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa kiêm Tổng biên tập Báo Thắng (nay là Báo Khánh Hòa). Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn trăm bề, song nhà báo Lý Văn Sáu đã nhanh chóng thích ứng, có nhiều cách làm sáng tạo. Cùng với tờ Báo Thắng in bằng tiếng Việt, ông cùng các đồng chí ra tờ báo binh vận bằng tiếng Pháp đặt tên là “Le Trait d’Union” (Gạch nối), giúp binh lính Pháp hiểu được vì sao ta kháng chiến, vạch trần bộ mặt thực dân, kêu gọi họ phản chiến. Từ tháng 6/1949 đến cuối năm 1953, ông đảm nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Đài Phát thanh kháng chiến "Tiếng nói miền Nam" đóng tại Liên khu V.
Sau Hiệp định Geneva, nhà báo Lý Văn Sáu tập kết ra Bắc, nhận nhiệm vụ tại Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1962, ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao với cương vị Phó trưởng Cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba.
Từ tháng 1/1969 đến tháng 9/1973, nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu tham gia Hội nghị Paris và sau đó là Hội nghị hiệp thương giữa hai bên miền Nam Việt Nam với tư cách ủy viên, cố vấn, người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với vốn tri thức sâu rộng, cách ứng xử văn hóa, lịch thiệp, khả năng ứng biến tuyệt vời trước mọi tình huống, các cuộc họp báo do ông chủ trì sau mỗi phiên họp của hội nghị thu hút sự quan tâm sâu sắc của giới báo chí quốc tế.
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, ông được phân công giữ nhiều chức vụ quản lý cơ quan báo chí như: Phó giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, Tổng biên tập Đài Truyền hình Trung ương (nay là Đài Truyền hình Việt Nam), Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam và Phó tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam đến khi nghỉ hưu.
Từ Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến khi giã từ dương thế vào ngày 30/4/2012, nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đã tận hiến tâm huyết và sức lực cho sự nghiệp báo chí cách mạng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với tọa đàm, phần trưng bày giới thiệu 100 tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày trên 10 vách, 5 tủ hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, qua đó nêu bật những đóng góp của ông đối với sự nghiệp báo chí cách mạng và sự nghiệp ngoại giao Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Tiêu biểu như tài liệu, hiện vật, hình ảnh trong thời gian nhà báo Lý Văn Sáu hoạt động tại Cuba, tại Hội nghị Paris 19-1973, sổ ghi chép và quá trình hoạt động báo chí...