Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo
Thông tin về những kết quả nổi bật trong việc đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam thời gian qua, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Văn Kỳ khẳng định: Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Hiện, Việt Nam có trên 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; hơn 54.000 chức sắc; trên 144.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, với 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.
Hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được hoàn thiện. Có thể kể đến Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Đất đai sửa đổi (trong đó có nội dung đất đai liên quan đến tôn giáo). Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm chú trọng về nội dung, nâng cao chất lượng. Các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đều được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định của pháp luật. Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để các sinh hoạt, hoạt động của tất cả tôn giáo diễn ra bình thường. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận tổ chức tôn giáo hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo tập trung tại địa điểm hợp pháp. Những ngày lễ trọng của các tôn giáo đã thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều ngày lễ trọng của tôn giáo đã trở thành ngày lễ chung của cộng đồng (Lễ Noel, Phật đản, Lễ diêu trì cung...). Nhà nước tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 2 tổ chức (Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam); quyết định chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam. Tính đến tháng 12/2023, Nhà nước đã công nhận tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; hàng ngàn điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có hơn 60 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Riêng đạo Tin lành, từ năm 2021 - 2023 khu vực miền núi phía Bắc chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 5 tỉnh Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó.
Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết. Hiện, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc chiếm hơn 70%. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Hầu hết cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở được xây mới.
Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện, góp phần quảng bá chủ trương, chính sách bảo đảm quyền tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta đến bạn bè quốc tế. Quan hệ Việt Nam - Vatican đang có bước tiến triển tích cực. Tháng 7/2023, lãnh đạo hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, thông qua Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.
Nỗ lực triển khai các biện pháp gỡ thẻ vàng IUU
Thông tin về tình hình triển khai các biện pháp gỡ thẻ vàng IUU, ông Vũ Duyên Hải, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để triển khai công tác này, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 1058/CĐ-TTg của TTg ngày 4/11/2023; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 539/TB-VPCP ngày 25/12/2023 và Thông báo số 54/TT-VPCP ngày 16/2/2024; văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện biện pháp chống khai thác IUU và khuyến nghị của EC. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã trình Thường trực Ban Bí thư ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Công tác thể chế đã được hoàn thiện thông qua việc Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số /NĐ-CP ngày 5/4/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (thay thế Nghị định 42/2029/NĐ-CP). Các quy định này cơ bản phù hợp quy định quốc tế, đáp ứng các khuyến nghị của EC, như: Kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu bằng tàu container; xử phạt tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác trên biển mà không có văn bản chấp thuận (trừ trường hợp bất khả kháng); được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
Đối với việc quản lý đội tàu, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện chính sách cắt giảm đội tàu, tạm dừng chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá làm nghề xâm hại môi trường; trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến 2030 còn 83.600 chiếc, giảm 3,7% so với 2023. Cơ cấu lại đội tàu theo chủ trương giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; thực hiện chính sách chuyển đổi nghề xâm hại môi trường theo Quyết định số 208/QĐ-TTg.
Việc giám sát hoạt động khai thác đã được triển khai. Các cơ quan quản lý đã lắp VMS trên 28.605 chiếc, đạt 98,2%; lập danh sách và giao các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ vị trí neo đậu của các tàu không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, kiên quyết không để các tàu này tham gia hoạt động. Hàng tuần cập nhật danh sách tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU để các cơ quan chức năng, cảng cá theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Áp dung hệ thống truy xuất điện tử eCDT để kiểm soát tàu cá ra, vào cảng liên thông toàn quốc, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, lưu trữ nhật ký khai thác làm cơ sở cho chứng nhận nguồn gốc.
Liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc, các cơ quan quản lý đã áp dụng hệ thống truy xuất điện tử trên phạm vi toàn quốc để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ tàu cá đến nhà máy chế biến; kiểm tra, kiểm soạt chặt chẽ nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam theo đúng quy định của hiệp định PSMA; điều tra, xử lý nghiêm minh cảng cá, doanh nghiệp dính đến những lô hàng gian lận nguồn gốc bị EC phát hiện năm 2022. Đồng thời, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản để các cơ quan chức năng nhập liệu, theo dõi, đánh giá đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 2 trường hợp đưa người và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Số vụ vi phạm quy định pháp luật bị xử phạt tăng so với tháng 10/2023, đặc biệt các trường hợp vi phạm quy định mất kết nối VMS.
Tại hội nghị, Ban tổ chức cũng đã giới thiệu về Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.