Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đến ngày 1/7/2024 bắt đầu có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Những điểm mới quan trọng của Luật là việc đổi thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước; mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên và cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024...
Từ ngày 1/7, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, Bộ Công an triển khai việc cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Căn cước quy định: Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước (Khoản 1 Điều 46). Như vậy, thẻ Căn cước có giá trị tương đương như thẻ Căn cước công dân. Các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ Căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước.
Theo quy định của Luật Căn cước mới, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).
Đối với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc... Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân... góp phần dự phòng biến cố, bình ổn xã hội.
Công dân đề nghị tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ Công quốc gia; Cổng dịch vụ Công Bộ Công an, Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý căn cước.
Theo luật mới, sẽ mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên. Để cấp cho công dân dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia, cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Tại buổi lễ, Cục C06 đã trao thẻ căn cước, Giấy Chứng nhận căn cước cho 10 công dân đầu tiên là người dưới 6 tuổi, người từ 6 tuổi trở lên và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Cũng tại buổi lễ, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an) đã ký kết "Dịch vụ xác thực điện tử" với Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Vietcombank là ngân hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ đầu tiên với RAR để ứng dụng Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an vào thu thập, làm sạch thông tin và xác thực sinh trắc học cho khách hàng trên kênh ngân hàng số, làm cơ sở đáp ứng quy định của Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc "Triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng".
Với sự hợp tác này, khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học trực tuyến (online) một cách đơn giản thông qua giải pháp kết nối thẳng từ ứng dụng đến ứng dụng (app-to-app) giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID. Bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại có kết nối NFC như đã triển khai, phương thức này giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học.