Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội): Phiên chất vấn có nhiều đổi mới
Phiên chất vấn lần này có nhiều đổi mới. Đây là phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ để kiểm tra lại việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ, nên đã có thay đổi cách thức phiên chất vấn thông qua việc chia theo nhóm vấn đề là kinh tế tổng hợp, nhóm vấn đề kinh tế ngành, nội chính - tư pháp, văn hoá, giáo dục, y tế…
Chúng tôi thấy rằng cách đổi mới phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ là mở màn có tính chất tiền đề để tạo nên sự thành công của phiên chất vấn nói chung. Cùng với đó, tính chất của phiên chất vấn lần này xem xét lại việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành với việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Về phía các Đại biểu Quốc hội, đã đặt các câu hỏi rất đúng với mục đích, mục tiêu đặt ra của phiên chất vấn, đặt câu hỏi đúng trúng vấn đề mà Nghị quyết của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội nêu.
Bên cạnh đó, các đại biểu vừa có tính xây dựng, vừa rất thẳng thắn yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo lại những việc thực hiện của mình, qua đó thấy vấn đề gì trên thực tế còn vướng mắc trong tổ chức thực hiện thì tìm hiểu nguyên nhân, nếu ở tầm Quốc hội thì Quốc hội tìm cách tháo gỡ, còn những việc gì về tổ chức thực hiện thì sẽ có lưu ý trong tổ chức thực hiện của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian tới.
Về phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, đã trả lời trực tiếp vào vấn đề đại biểu nêu. Bên cạnh việc báo cáo nội dung đã làm được, các trưởng ngành cũng nêu nguyên nhân, khó khăn đặt ra và có kiến nghị cụ thể. Nếu như vướng mắc đó ở tầm luật, tầm Quốc hội có thể giải quyết thì báo cáo Quốc hội quan tâm trong thời gian tới. Còn những gì liên quan đến tổ chức thực hiện, chủ quan thì các vị bộ trưởng, trưởng ngành cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm, để từ đó có giải pháp khắc phục.
Sự điều hành chất vấn của Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, mặc dù phiên chất vấn với nội dung rất rộng, nhiều lĩnh vực, nhiều mảng, nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần đặt ra chất vấn, nhưng Chủ tịch Quốc hội đã điều hành phiên chất vấn rất khoa học, linh hoạt, phân bố thời gian cho các câu hỏi của đại biểu, trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành và cũng tạo điều kiện cho các Đại biểu Quốc hội nào còn thấy chưa yên tâm với nội dung trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành thì cũng có điều kiện để trao đổi tiếp và đi đến tận cùng vấn đề.
Những vấn đề Đại biểu Quốc hội trao đổi thì Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ thêm những thông tin trong thời gian vừa qua, để từ đó Chính phủ, các Bộ ngành nắm được thông tin để tổ chức thực hiện cho tốt và các đại biểu cũng có thêm thông tin trong phần chất vấn, cũng như giám sát sẽ thực hiện tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Phiên chất vấn quan trọng
Nhìn lại tổng thể phiên chất vấn vừa qua, có thể thấy, nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đã đưa ra những lời cam kết, những giải pháp, cũng như lộ trình thực hiện những nhiệm vụ mà được cử tri, cũng như các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm. Việc này rất có ý nghĩa, đối với Quốc hội thì các hoạt động chất vấn của kỳ họp thứ 6 đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của vấn đề giám sát thông qua hình thức chất vấn giám sát tối cao, tức là giám sát việc sau chất vấn ban hành nghị quyết thì bây giờ trở lại nghị quyết đã được thực hiện như thế nào.
Đây cũng là cơ hội để các đại biểu Quốc hội không chỉ chất vấn các thành viên Chính phủ mà còn hiến kế cho Chính phủ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn về phía các thành viên Chính phủ, đây là cơ hội để báo cáo trước Quốc hội và trước cử tri cả nước về việc mình đã thực hiện cam kết như thế nào, những kết quả đã đạt được. Nếu có những tồn tại, hạn chế thì cũng có một cơ hội để giải trình và đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện góp ý kiến của cử tri. Đây cũng là cơ hội để cử tri cả nước nhìn được những vấn đề bức xúc từ ngoài xã hội được các đại biểu nêu tại các phiên họp, phiên chất vấn của Quốc hội và từ đó, niềm tin và Quốc hội và Chính phủ sẽ được nâng cao.
Phiên chất vấn lần này thực sự đổi mới, đổi mới trước hết về phạm vi chất vấn. Trước đây là chỉ lựa chọn những vấn đề theo nhóm lĩnh vực thì bây giờ là tất cả 21 lĩnh vực đã được đưa ra và chia ra các nhóm vấn đề có mối quan hệ gần nhau. Như vậy, từng vấn đề nêu ra thì không phải chỉ có một Bộ trưởng trả lời mà có thể các Bộ trưởng khác cùng phối hợp trả lời.
Cùng với đó, điểm mới ở trong nghi thức là nhiều Bộ trưởng cũng tham gia trả lời thì bớt áp lực cho các Bộ trưởng khi cùng một lúc liên tục trả lời chất vấn. Nếu như các Bộ trưởng cùng "chia lửa" thì có nghĩa sẽ có thời gian để chuẩn bị một cách kỹ hơn, tốt hơn và có thể nhìn nhận một cách tổng thể các vấn đề. Kỳ chất vấn này rất ý nghĩa khi chúng ta đã tổng kết lại nửa nhiệm kỳ để đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để Quốc hội cùng với Chính phủ tìm ra những giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của nửa nhiệm kỳ còn lại.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đại biểu tranh luận tới cùng những vấn đề quan tâm
Một trong những điểm mới của kỳ chất vấn lần này là việc các đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận tới cùng những vấn đề quan tâm nếu chưa có câu trả lời thỏa đáng từ các vị Bộ trưởng, trưởng ngành.
Chẳng hạn, tôi quan tâm về vấn đề xã hội hóa sách giáo khoa. Mặc dù trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trình bày tại diễn đàn Quốc hội nhưng chưa đủ. Xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, với sự tham gia của các nhà khoa học, nhưng trong quá trình thực hiện có nhiều vấn đề, tại sao tiến hành xã hội hóa sách giáo khoa, giá sách giáo khoa lại tăng.
Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội cũng không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo không được quyền sản xuất sách giáo khoa. Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nên biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất sách giáo khoa khác. Trước mỗi năm học, học sinh và phụ huyng rất buồn và lo lắng bởi giá sách giáo khoa tăng giá. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản khác, khi nhà nước cần thiết định giá tiến tới nhà nước không thu phí sách giáo khoa mà trợ cấp hoàn toàn.
Vấn đề này cũng được tôi đặt ra tại nghị trường hôm nay.
Trong các nhóm vấn đề, tôi đánh giá cao phần trả lời của các bộ trưởng về nhóm vấn đề nội chính, tư pháp đã thể hiện tinh thần cầu thị, thông tin trúng và đúng các vấn đề đại biểu nêu ra.
Đặc biệt, tôi ấn tượng trước phần trả lời đầy đủ, rõ ràng, rành mạch của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về vấn đề cải cách tiền lương và vị trí việc làm. Trước những thông tin mà Bộ trưởng đã nêu, Nhân dân và cử tri mong chờ từ ngày 1/7/2024 sẽ có bước chuyển biến mới về cải cách tiền lương và vị trí việc làm với cán bộ, công chức hiện nay
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giải trình về tình trạng chậm, nợ văn bản của Chính phủ trong thời gian qua với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, nhìn nhận rõ những hạn chế, thiếu sót... Trong thời gian gần đây, việc ban hành văn bản đã có chuyển biến tốt. Nội dung này được đề cập trong các phiên họp hằng tháng của Chính phủ nhằm tìm giải pháp khắc phục tốt nhất.
Như nhiều đại biểu đã nêu, tôi cũng cho rằng, nhiều cán bộ dám nghĩ mà không dám làm do xung đột văn bản pháp lý. Ví dụ thực tế như luật đã được ban hành nhưng chậm ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn nên không có cơ sở thực hiện. Hy vọng tới đây, việc ban hành các văn bản pháp luật sẽ có chuyển biến tốt, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, hạn chế những xung đột pháp lý đã được chỉ ra.
Đại biểu Quản Minh Cường (Đoàn Đồng Nai): Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kịp thời phản ánh những vấn đề bức thiết của đất nước
Công tác chất vấn tại kỳ họp thứ sáu đã thể hiện sự công khai, minh bạch, rõ ràng. Người chất vấn và người trả lời chất vấn chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm vững vấn đề. Người dân, cử tri rất quan tâm đến các vấn đề “nóng” như: Chất lượng dạy học, vấn đề sách giáo khoa, chăm sóc sức khỏe nhân dân... được đề cập trong nhóm lĩnh vực lĩnh vực văn hóa, xã hội của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Một nội dung cũng không kém phần quan trọng là vấn đề phòng, chống tội phạm trong nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp. Những năm qua, vấn đề tội phạm xã hội đã được ngành công an quản lý rất tốt, tuy nhiên, tội phạm có nguyên nhân xã hội có chiều hướng gia tăng.
Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng những đổi mới của Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này phản ánh, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức thiết của đất nước và đời sống xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.