Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ngành công thương đã phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn thách thức. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của ngành Công Thương, đã giúp cho Bộ Công Thương đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giữ được cân bằng và đóng góp tích cực đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đây có thể được xem là một kỳ tích ấn tượng của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, nhất là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Theo Bộ trưởng, phía trước sẽ còn có rất nhiều khó khăn, phức tạp vì tình hình thế giới khó đoán định, hội nhập của chúng ta ngày càng sâu, nên việc nội lực hóa luật pháp quốc tế cũng là một thách thức, hàng loạt những cam kết mà Việt Nam phải thực hiện… Với các kiến nghị, vướng mắc do đại diện doanh nghiệp, tập đoàn kiến nghị trong buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đó chỉ là những khó khăn, vướng mắc điển hình bởi đi vào cụ thể sẽ còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ.
Thông qua buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng như lãnh đạo Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… để từ đó ngành công thương hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ để ngành công thương hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 8 tháng qua nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành công thương, gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Dù vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa toàn diện (còn 2 địa phương có chỉ số IIP giảm); một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước; ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm;
Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính, chịu tác động mạnh từ bất ổn trong chuỗi cung ứng, hoạt động logistics khu vực và toàn cầu. Thương mại trong nước tăng trưởng khá nhưng phải đối mặt với sức ép tăng giá những tháng cuối năm, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao lãnh đạo Bộ Công Thương trong thời gian ngắn đã tích cực chuẩn bị báo cáo phục vụ buổi làm việc. Báo cáo khái quát nhưng khá toàn diện về ngành công thương.
“Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, đất nước còn nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành đã tích cực triển khai toàn diện các mặt công tác và đã đạt những kết quả quan trọng. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp của ngành công thương” - Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những kết quả đóng góp của lãnh đạo Bộ Công Thương từ đầu nhiệm kỳ đến nay và 8 tháng năm 2024.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng đặt ra 3 vấn đề đối với ngành công thương là tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn, kiến tạo trong phát triển.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, kể cả văn bản pháp luật, như sửa đổi Luật Điện lực, Luật Hóa chất… và một loạt Nghị định sửa đổi.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải tiếp tục cùng Chính phủ, Đảng, Nhà nước thúc đẩy phục hồi quá trình phát triển đất nước. Dù khó khăn đến mấy, ngành công thương phải là ngành chủ lực.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương thực hiện 3 nội dung gồm xây dựng quy chế, quy định, nghị định để thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành điện, trước mắt là trong dự án năng lượng tái tạo (trong đó, có điện ngoài khơi); tiếp tục tập trung triển khai Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch điện VIII; triển khai tháo gỡ dự án đang tồn đọng, trong đó có dự án điện, khí… để giải phóng nguồn lực phục vụ cho phục hồi kinh tế - xã hội; hợp tác, khai thác dầu khí và tăng cường hợp tác quốc tế với dự án đầu tư ra nước ngoài; xuất nhập khẩu, Chính phủ đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy xuất nhập khẩu và tăng trưởng trong bối cảnh quốc tế phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy chuỗi sản xuất.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương cần tận dụng, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đồng thời tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA mới; trong đó, đàm phán FTA với khu vực vùng Vịnh.
Trong lĩnh vực thương mại, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian qua, kể cả trong điều kiện bão lụt, đã bảo đảm hàng hóa thông suốt thị trường, tăng thương mại trong nước, nhất là Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ Công Thương đã kết hợp với Bộ Ngoại giao và bộ, ngành liên quan mở rộng mạng lưới hàng hóa Việt Nam ra các thị trường nước ngoài; triển khai thương mại điện tử, đã thực hiện đúng theo xu hướng chung của thế giới và cần tiếp tục thúc đẩy xu thế này.
Theo Phó Thủ tướng, việc chuyển đổi số, kinh tế số, ngoài đề xuất của Bộ Công Thương, đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Cùng đó, cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Đối với kiến nghị của Bộ Công Thương cũng như kiến nghị của đại diện doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu Văn phòng Chính phủ tập hợp và giải quyết trong thời gian sớm nhất, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo chỉ tiêu phát triển kinh tế.