Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo và cán bộ các sở, ban, ngành tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Đề xuất xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn, năm 2017, tỉnh đã hoàn thành toàn bộ 21 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,3% năm 2016 xuống còn 19,3%. 4 tháng đầu năm 2018, Tuyên Quang thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.625 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số doanh nghiệp hoạt động là 1.423 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 14.126 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2011- 2018, tỉnh đã huy động khoảng 12.782 tỷ đồng. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt 12 tiêu chí/xã. Không có xã dưới 5 tiêu chí và không có địa phương nào nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Các xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tập trung vào một số lĩnh vực: phát triển chăn nuôi trâu, cá đặc sản, lợn đặc sản, trồng rau an toàn, trồng chè, cây ăn quả… Các hợp tác xã, cơ sở sản xuất chủ động xây dựng một số nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng, quản bá sản phẩm. Đến nay có 32 sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Huấn, nguồn vốn trung hạn bố trí trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới phân bổ cho tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là 1.083,4 tỷ đồng nhưng trong 3 năm (2016 – 2018) mới bố trí được 408,21 tỷ đồng (đạt 37,6% kế hoạch), do vậy tỉnh gặp khó khăn trong cân đối vốn thực hiện Chương trình.
Về giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, 4 tháng đầu năm, Tuyên Quang đã giải ngân được 5,4 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch. Một số nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giải ngân đạt thấp do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nhất là các công trình giao thông. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ cho sử dụng nguồn khấu hao tài sản cố định hình thành từ nguồn vốn ngân sách đã cấp chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư để bổ sung số vốn còn thiếu (9,104 tỷ đồng) của dự án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào tái định cư.
Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo hình thức BOT để tỉnh hoàn thiện các thủ tục đầu tư; sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ tỉnh bồi thường giải phóng mặt bằng công trình, với tổng kinh phí khoảng 511 tỷ đồng.
Gia tăng thu nhập, việc làm của người dân gắn với đất rừng Phát biểu kết luận buổi làm việc, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong năm 2017, song, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Tuyên Quang vẫn còn là tỉnh có nhiều khó khăn, không thể sớm tự túc kinh phí ngân sách như các tỉnh khác. Tỷ lệ phát triển doanh nghiệp còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Phó Thủ tướng đề nghị Tuyên Quang đẩy mạnh chi đầu tư công, các Sở Kế hoạch – Đầu tư và Tài chính cần thực hiện giao vốn sớm để triển khai. Chính phủ đang rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công và các nghị định liên quan, trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư công trung hạn, phát hiện các vướng mắc, tỉnh tập hợp, báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi vào kỳ họp cuối năm 2018.
Về định hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiến hành đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu tích cực hơn, có tầm nhìn dài hạn hơn, nhìn nhận kỹ về thuận lợi, khó khăn, tiềm năng, thách thức, đặc biệt là những lợi thế của tỉnh. Tuyên Quang có nhiều sông, suối lớn, có tiềm năng về phát triển thủy điện, nguồn tài nguyên thuận lợi cho phát triển khai thác khoáng sản.
Đặc biệt, Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng lớn, lên đến 60%, thuận lợi cho phát triển kinh tế rừng. Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, gia tăng thu nhập, việc làm của người dân gắn với đất rừng.