Phòng ngừa tiêu cực ngay trong hoạt động kiểm toán

Sáng 5/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Đông đảo cử tri thành phố Đà Nẵng đã theo dõi phiên chất vấn và đồng tình với những vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ra trên nghị trường.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cử tri Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Phương Food (huyện Hòa Vang) đồng tình với định hướng của Bộ trưởng về việc hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian tới; nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng…
 
Theo cử tri Mai Thị Ý Nhi, hiện nay, Bộ Công Thương thông qua Cục Xúc tiến thương mại đã thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác. Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu, tìm hiểu và vận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Cử tri Mai Thị Ý Nhi kiến nghị, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục có thêm nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tham gia triển lãm quốc tế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các địa phương…
 
Cử tri Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cũng quan tâm, theo dõi phần trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Theo báo cáo, trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính; trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án. Cử tri Bùi Văn Tiếng mong rằng, số hồ sơ Tổng Kiểm toán Nhà nước chuyển cho cơ quan điều tra sẽ ngày càng ít hơn nữa. Điều đó chứng tỏ việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong sử dụng tài chính công, tài sản công thông qua hoạt động kiểm toán, thanh tra đã có hiệu quả đáng kể.
 
Cử tri Bùi Văn Tiếng cho rằng cần phòng ngừa khả năng cơ quan kiểm toán không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra do thiếu năng lực hoặc do tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác kiểm toán. Để phòng ngừa điều này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Cử tri Bùi Văn Tiếng cho rằng, chỉ cần thực hiện tốt Quy định số 131-QĐ/TW, ngành Kiểm toán Nhà nước sẽ tránh được tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
 
Góp phần làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5/6, cử tri Ninh Thuận rất kỳ vọng, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục góp phần làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xứng đáng là bộ máy, là công cụ hữu hiệu trong quản lý ngân sách nhà nước.

Bà Phạm Thị Thanh Hường (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải) bày tỏ, không khí phiên chất vấn diễn ra trang trọng, nghiêm túc, tích cực. Chủ tọa điều hành phiên chất vấn tuân thủ quy trình điều hành, đảm bảo thời gian, gợi ý các nội dung trả lời tập trung, xoáy sâu vào các nhóm vấn đề đại biểu, cử tri cả nước quan tâm.

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi các nhóm vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, thẳng thắn vào các nội dung "nóng", bức xúc, nổi cộm. Một số đại biểu tranh luận khá thẳng thắn, nghiên cứu sâu, sát vấn đề, mang tính xây dựng cao. Các Bộ trưởng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời các nhóm vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm một cách cụ thể, rõ ràng; nhìn thẳng vấn đề, đưa ra những giải pháp, cam kết cùng lộ trình rõ ràng để giải quyết những vấn đề được đặt ra.

Bà Hường cho rằng, đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nêu rất rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán…

Theo trả lời chất vấn của Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, cử tri cũng đã thấy trách nhiệm rất rõ của ngành Kiểm toán. Cụ thể trong 5 năm qua (2019 - 2023), đã có 19 vụ án được Kiểm toán Nhà nước chuyển sang các cơ quan điều tra để thực hiện điều tra, đưa ra ánh sáng các hành vi tham nhũng, tiêu cực; cung cấp trên 1.600 hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố (huyện Ninh Sơn). Ảnh: Công Thử/TTXVN

Tiến sĩ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố (huyện Ninh Sơn) cho rằng, Kiểm toán Nhà nước là lĩnh vực chuyên ngành sâu và có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội và cử tri cả nước nên cũng rất áp lực. Tuy nhiên, việc trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán Nhà nước rất mạch lạc, cụ thể, rõ ràng, đầy đủ theo đúng nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Theo dõi trực tiếp kỳ họp, Tiến sĩ Phan Công Kiên cho hay, theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán để đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công; kiểm toán mục tiêu để xác nhận tính trung thực, hợp lý của thông tin báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán; kiểm toán đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật của đơn vị được kiểm toán, đánh giá để xác định hiệu quả kinh tế, hiệu lực trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Điều đó cho thấy, việc kiểm toán khác biệt so với việc thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng khác. Dẫu vậy, bản thân cử tri cũng rất kỳ vọng hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong nền tài chính quốc gia sẽ tiếp tục có sự đổi mới, chất lượng kiểm toán được nâng cao và mang lại hiệu quả rõ nét.

Ông Phan Công Kiên bày tỏ, điều mà cử tri thấy phấn khởi và tin tưởng hơn, đó là Tổng Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận rõ những hạn chế trong hoạt động kiểm toán trong thời gian qua; đồng thời đề ra các giải pháp để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được Đảng, Nhà nước giao. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đã nêu tại Kỳ họp là trong thời gian tới sẽ cải tổ bộ máy hoạt động, làm trong sạch bộ máy, không để xảy ra tình trạng kiểm toán viên sách nhiễu, vòi vĩnh… dẫn đến sai phạm. Qua đó từng bước năng cao chất lượng thực thi công vụ của ngành Kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước luôn thể hiện rõ trách nhiệm trong việc kiểm toán nội bộ trong ngành; tổ chức luân chuyển cán bộ thực hiện công tác kiểm toán của các địa phương, trong nội khu vực... để tránh tình trạng tham nhũng tiêu cực trong nội bộ. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Tổng Kiểm toán Nhà nước, tạo được lòng tin của cử tri cả nước đối với ngành Kiểm toán.

Quốc Dũng - Công Thử (TTXVN)
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 4-6/6/2024 đã mang lại nhiều thông tin quan trọng và thiết thực, giúp các cử tri tại Bình Dương theo dõi sát sao các nội dung thảo luận. Trong sáng 5/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, phiên trả lời chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: quản lý dữ liệu cá nhân, công thương, kiểm toán...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN