Đại hội thực hiện nghi thức tấn phong 3.342 tăng, ni lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư; trong đó tấn phong 2 Hòa thượng, 1.102 Thượng tọa, 391 Ni trưởng, 1.581 Ni sư.
Đại hội đã thống nhất suy tôn 112 ủy viên Hội đồng Chứng minh và suy cử 235 ủy viên chính thức, 45 ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Tại phiên họp thứ nhất, ủy viên Hội đồng Chứng minh đã thống nhất suy tôn 30 ủy viên tham gia Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh. Hội đồng suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, quyền Pháp chủ khóa VIII, lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022 - 2027), suy tôn 11 Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Trị sự, các ủy viên đã thống nhất suy cử 65 ủy viên tham gia Ban thường trực Hội đồng Trị sự. Hội đồng tái suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022 - 2027), suy cử 21 Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự.
Hòa thượng Thích Trí Quảng, thế danh Ngô Văn Giáo, sinh năm 19 tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thượng xuất gia năm 10 tuổi tại tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), thọ giới Tỳ - kheo năm 1960. Từ năm 1965 – 1972, Hòa thượng du học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản. Năm 1981, Hòa thượng được suy cử ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Trí Quảng đã được suy cử ngôi vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, suy tôn Phó Pháp chủ, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong lời đạo từ gửi tới đại biểu dự Đại hội và tăng, ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, Đệ tứ Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nhắc đến thời điểm năm 1981, chư tôn đức, trưởng lão 9 hệ phái Phật giáo từ Bắc tới Nam một lòng muốn thống nhất ngôi nhà chung của Phật giáo sau khi nước nhà thống nhất. Lúc đó, Đại hội lần thứ nhất chỉ hơn 100 đại biểu, “nhưng các vị là những viên ngọc quý của Phật giáo Việt Nam”.
Được tham gia Đại hội, Hòa thượng cho biết, từ các chư tôn đức, trưởng lão đến các đại biểu nhìn nhau thân thương, hòa hợp, “không phải trên khẩu hiệu, mà trong lòng của mọi người nhìn thấy nhau như một khối, một tổ chức, chỉ có một người – đó là Phật tâm”.
Đức Pháp chủ đệ nhất khi đó rất quan tâm đến việc đào tạo tăng tài, điều này phù hợp với lời dạy của Tổ Khánh Hòa là người đầu tiên mở ra con đường chấn hưng Phật giáo “có chùa mà không có tăng, coi như không có; có tăng mà tăng thất học thì lại càng nguy hiểm hơn nữa”. Vì vậy, ngài coi trọng giáo dục Phật giáo để mở mang trí tuệ cho tăng già và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép mở trường đào tạo chư tăng. Từ đó đến nay, nhiều lớp tăng sỹ có học vị từ cử nhân đến tiến sỹ được tổ chức, với hàng vạn người.
Đến Đại hội lần thứ VIII, theo Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức đệ tam Pháp chủ nhìn thấy sở học của tăng già có nhưng đạo hạnh có phần khiếm khuyết, nặng phần lý luận, tranh chấp hơn thua cho nên ngài rất lo.
“Ngài đã gọi tôi tới, ngài ký thác: tôi đã lớn tuổi, muốn làm nhiều việc nhưng không thể làm được, mong Hòa thượng cùng chư tôn đức trong Hội đồng Chứng minh cố gắng xây dựng Hội đồng Giám luật để chấn chỉnh đạo phong của tăng, ni. Nếu đạo phong, cốt cách mà khiếm khuyết thì làm tổn thương cho Giáo hội không ít. Thực hiện ý chí của ngài, tôi triệu tập Ban thường trực Hội đồng Chứng minh để thành lập Hội đồng Giám luật”, Hòa thượng Pháp chủ chia sẻ.
Theo Đức Pháp chủ, đây là hai việc quan trọng nhất mà 2 vị pháp chủ để lại, vì vậy, Đại hội lần này đặt vấn đề trí tuệ và kỷ cương lên hàng đầu. Có trí tuệ mới có kỷ cương, có trí tuệ mới thấy được những gì đang làm, để tạo sự đoàn kết trong Giáo hội, từ đó xây dựng cương lĩnh lãnh đạo từ trên xuống dưới, mọi người hòa hợp trong giáo pháp của Đức Phật.
Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ kỳ vọng tăng, ni, Phật tử trong Đại hội có trách nhiệm tiếp tục phát triển những điều tốt, khắc phục những điều chưa tốt để trở thành nhân tố tốt trong Giáo hội, trong xã hội, từ đó phát hiện thêm những nhân tài trong Phật giáo để đề đạt vào chức danh của Giáo hội từ trung ương đến địa phương, chung sức xây dựng Giáo hội tốt đẹp hơn.