Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH Hải Dương: Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội
Về xây dựng nhà ở xã hội, do lâu hoàn vốn, nên hiện nhiều chủ đầu tư vẫn chưa "mặn mà".
Bên cạnh đó, có thực trạng nhiều dự án nhà ở xã hội còn chưa nghiệm thu, nhưng người dân đã rao bán. Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra thì chắc chắn sẽ phát hiện những người không thuộc đối tượng ưu đãi, vẫn được mua nhà ở xã hội.
Có thực trạng này là do các nguyên nhân như: Sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, "lách luật" để mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
Do vậy, cần bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội, để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.
Luật Nhà ở đã được thông qua và sắp tới sẽ thông qua Luật Công đoàn sửa đổi; trong đó có quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được quyền làm chủ đầu tư để phát triển nhà ở cho công nhân. Khi Luật Công đoàn sửa đổi được thông qua, chúng tôi mong muốn Tổng Liên đoàn lao động sẽ sớm triển khai và triển khai tích cực để vấn đề này đạt hiệu quả tốt nhất. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề có nhà ở cho công nhân, nhất là ở những thành phố lớn, những khu công nghiệp...
Trong thời gian tới, chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa tới phân khúc nhà ở xã hội nhưng xây bằng nguồn xây sách để hướng tới mục tiêu nhà ở xã hội cho thuê hơn việc xây nhà ở xã hội để bán. Hiện nay giá nhà ở xã hội vẫn còn quá cao so với thu nhập của những người thuộc đối tượng được tiếp cận.
Nhiều người là người nghèo, thu nhập thấp chia sẻ rằng, số tiền họ kiếm được hàng tháng chỉ đủ chi tiêu cho gia đình với mức sống eo hẹp. Vì vậy, nếu có được ưu đãi về lãi suất để mua nhà ở xã hội thì họ cũng không dám mua vì không trả được.
Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cần có giải pháp đột phá để đẩy nhanh nhà ở xã hội
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch, sửa đổi các chính sách để thu hút nhà đầu tư, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội, được tiếp cận tốt hơn với chính sách.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp.
Đồng thời, phải thực hiện bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thiện các cơ thế chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân lao động. Đồng thời, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như là mua nhà ở xã hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: Người lao động chỉ mong muốn có nơi để ở, chứ không phải sở hữu nhà
Điều người dân bức xúc hiện nay là người lao động khao khát có nhà ở, nhưng lại có rất nhiều dự án để không, bỏ hoang. Đây là vấn đề cần phải giải quyết cho hợp lý.
Đối với người lao động, quan trọng nhất là họ mong muốn nơi để ở, chứ không phải được sở hữu căn nhà. Họ chỉ muốn có căn nhà để có điều kiện nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe, tiếp tục lao động. Thu nhập của họ cũng không đảm bảo dư dả để để mua nhà.
Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục phát triển thị trường nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân. Rất mong Chính phủ và địa phương dành nguồn đất ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động trong thời gian tới.