Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc.
Các đơn vị tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng yêu cầu Thái Nguyên tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng biên giới; chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc.
Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Thái Nguyên cần tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào gắn với phát triển du lịch. Đồng thời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn...; chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy tính tự lực, tự cường và truyền thống đại đoàn kết dân tộc.
Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số bằng 60% bình quân chung của cả nước; 100% xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đặc biệt khó khăn.
Tỉnh phấn đấu giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống dưới 8% theo tiêu chí mới; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xóm vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhà văn hóa đạt chuẩn; quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở...
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ III - năm 2019, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc được tỉnh dành nhiều sự quan tâm. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả.
Đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đồng thời 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh; 100% xã có trạm y tế, trong đó trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại...
Tại Đại hội, 29 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 đã được nhận Bằng khen của Trung ương và địa phương. Ngoài ra, 5 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”.