Cho ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với 3 Chương tình mục tiêu quốc gia (MTQG), đề nghị Chính phủ tính toán lại cơ chế điều phối, cách kết hợp, lồng ghép linh hoạt để đảm bảo các Chương trình sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả.
Việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho các Chương trình khiến cho các địa phương lúng túng, đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân, người nghèo, người yếu thế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với quan điểm này, đại biểu Vi Đức Thọ, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công rất thấp ở 3 Chương trình MTQG, cần làm rõ chậm do đâu. Cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu là yếu tố chủ quan, công tác lập kế hoạch vốn đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện; ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đầu tư công chưa cao; công tác chuẩn bị ở không ít dự án còn kém chất lượng; sự phối hợp giữa bộ, ngành với địa phương để triển khai thực hiện chưa sâu sát…
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhận thấy hoạt động và trách nhiệm của người đứng đầu chưa phát huy hết năng lực. Có thể thấy, việc xác định nguyên nhân đã khá rõ. Năm 2022, việc giao vốn rất chậm, có 12 văn bản Bộ, ngành trung ương chưa hướng dẫn triển khai thực hiện để địa phương tổ chức triển khai. Do đó, đại biểu Vi Đức Thọ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG để thực hiện trong năm 2023.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư công chưa như mong muốn. Theo đại biểu Trần Đức Thuận, điều này một phần là do có một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm nên không dám triển khai.
"Vai trò của đội ngũ cán bộ triển khai như thế nào. Trước đây nói là không có tiền nhưng bây giờ có tiền cũng không triển khai được", đại biểu Trần Đức Thuận đặt vấn đề. Hiện nay 3 Chương trình MTQG đã được Quốc hội, Chính phủ phân bổ ngân sách nhưng tiến độ giải ngân chậm, vậy chậm do đâu.
“Tôi đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nếu phát hiện ra những trường hợp có tư lợi, cần phải xử lý nghiêm. Đã có giám sát phòng, chống lãng phí, tiêu cực nhưng thực tế vẫn còn lãng phí rất nhiều”, đại biểu Trần Đức Thuận nêu ý kiến.
Nhiều ĐBQH cũng chỉ ra rằng, việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho các chương trình đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân, người nghèo, người yếu thế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bày tỏ băn khoăn về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn (ĐBQH tỉnh Lai Châu) nêu rõ, có tới 39 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình, trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Như vậy là tốc độ giải ngân quá chậm. Qua giám sát có một số địa phương cam kết trong năm 2023 tốc độ giải ngân cao nhất sẽ đạt khoảng 85%. Từ thực tế này, đề nghị Chính phủ có nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ điểm nghẽn. Đối với 3 Chương trình MTQG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, đây là chương trình có đối tượng rộng, đã qua 2 năm triển khai. Tuy nhiên đến nay mới giải ngân được khoảng 2,86%. Như vậy là tốc độ giải ngân rất chậm. Do đó, đặt ra trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và các địa phương trong năm 2023 để có sự chuyển biến rõ nét.