Tại hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng, thời gian tới, Bến Tre có 3 nhiệm vụ lớn cần tập trung thực hiện là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; tăng tốc để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030.
Trong đó, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", cấp tỉnh không chờ Trung ương, huyện không chờ tỉnh. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đồng thời, đòi hỏi sự dũng cảm và hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung.
Để việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh đạt mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu lực, hiệu năng, tinh, gọn, hiệu quả. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt mục đích, yêu cầu, nguyên tắc khi thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan, đơn vị tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Trung ương, của Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện.
Việc thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, có số lượng cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Văn Dũng, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, cụ thể hóa và phân công thực hiện Nghị quyết số 18 với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn.
Ngay khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy tổ chức học tập, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Trong giai đoạn 2015-2021, Bến Tre giảm 2.559 biên chế, đạt 10,3%. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức đến năm 2026; sáp nhập 16 đơn vị hành chính cấp xã và giảm 33 ấp, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn. Tỉnh triển khai mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố tại 459/953 ấp, giúp giảm số lượng cán bộ không chuyên trách.
Bến Tre đã đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung vào việc tổ chức bộ máy. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh giảm 27 đầu mối thuộc sở, 102 đơn vị sự nghiệp công lập, 9 phòng chuyên môn cấp huyện; từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đơn giản hóa 273 thủ tục, cắt giảm 21,9% chi phí thực hiện.
Cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai đang triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy với tinh thần quyết tâm, quyết liệt vì lợi ích chung
Theo đó, ở cấp tỉnh, Gia Lai sẽ giảm 2 cơ quan thuộc Tỉnh ủy; 10 đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy; 7 ban chỉ đạo cấp tỉnh; tăng 1 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Tỉnh giảm 1 ban thuộc HĐND tỉnh; 7 sở, ngành và tương đương; 21 phòng thuộc sở; 8 chi cục nhưng tăng 1 chi cục tiếp nhận từ bộ, ngành Trung ương chuyển về; giảm 30 phòng thuộc chi cục; giảm 29 đơn vị sự nghiệp công lập; 10 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Cụ thể, Gia Lai dự kiến sáp nhập các sở, ban, ngành, gồm: Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy; Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải; Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Nội vụ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Y tế sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cán bộ từ Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tỉnh sẽ thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo từ việc sáp nhập Ban Dân tộc và Ban Tôn giáo. Gia Lai cũng tổ chức lại các đơn vị báo chí, truyền thông tại địa phương.
Cấp huyện sẽ sáp nhập các phòng chuyên môn như Phòng Nội vụ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Phòng Tài nguyên và Môi trường. Qua đó giảm tổng cộng 31 phòng, ban.
Cùng với sắp xếp các đơn vị, tỉnh thực hiện tinh giản biên chế đối với các vị trí không phù hợp; có các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ không thể tiếp tục bố trí công tác.
Việc sắp xếp bộ máy hành chính tại tỉnh Gia Lai dự kiến được thực hiện đồng bộ, theo lộ trình cụ thể, đảm bảo đúng quy định của Trung ương, đúng mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, hướng tới xây dựng bộ máy hành chính hiện đại và hiệu quả.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, toàn tỉnh Gia Lai đã giảm 60 phòng và tương đương thuộc cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện; 2 chi cục và tương đương thuộc sở, ngành; 20 phòng thuộc chi cục và tương đương thuộc sở, ngành; 8 cấp phó cơ quan, đơn vị; 166 cấp phó phòng trực thuộc cơ quan, đơn vị; 2 cấp phó chi cục thuộc sở, ngành và 21 phó phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở, ngành; 188 đơn vị sự nghiệp công lập, 265 cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, 163 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước; 4 đơn vị hành chính cấp xã, 584 thôn, làng, tổ dân phố...