Cần chính sách hỗ trợ khi tinh gọn bộ máy
Theo Nghị quyết số 1200/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Phú Yên có 5 đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Tuy Hòa thuộc diện sắp xếp. Phú Yên là một trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước được Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua. Việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tạo ra bước phát triển trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố Tuy Hòa hướng đến trở thành đô thị loại I trong thời gian tới.
Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính là tất yếu và mang lại nhiều lợi ích. Đây là một trong những dịp để chúng ta có thể chọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có chất lượng; thực hiện việc tinh giản biên chế đối với những người chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn. Khi sáp nhập, tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy còn giải quyết được rất nhiều vấn đề như: cắt giảm cơ sở vật chất phục vụ, cắt giảm chi phí hoạt động của bộ máy, giảm được nguồn chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Những nguồn lực này có thể sử dụng vào việc tăng lương hoặc ban hành chính sách khác để tạo động lực cho những người làm việc trong hệ thống chính trị. Chính vì thế việc tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị theo chủ trương càng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” là đúng đắn.
Từ thực tiễn tại địa phương, ông Cao Đình Huy kiến nghị, khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị cần có thêm các chính sách hỗ trợ. Những người còn ở lại làm việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương phù hợp với khối lượng công việc lớn để họ phát huy được hết khả năng, cống hiến cho xã hội. Đối với những người không còn làm việc sau khi tinh gọn bộ máy, họ cần được hỗ trợ để tạo việc làm, ổn định đời sống. Từ đây, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị sẽ tạo được sự đồng tình ủng hộ và thống nhất trong mọi tầng lớp nhân dân.
Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa VIII đã tổ chức kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) để thảo luận thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 được cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.
Cán bộ, công chức cấp xã dôi dư phải thôi việc ngoài các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định Nghị định của Chính phủ về nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần 6 tháng tiền lương hiện hưởng của tháng gần nhất trước khi thôi việc (không tính phụ cấp công vụ và phụ cấp kiêm nhiệm) gồm: Tiền lương theo hệ số, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố dôi dư phải thôi việc ngoài chế độ, chính sách thực hiện theo quy định Nghị định của Chính phủ về tinh giản biên chế, được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần theo số năm công tác, cứ mỗi năm công tác được hỗ trợ 1,3 tháng phụ cấp hiện hưởng ở chức danh đang đảm nhiệm chính của tháng gần nhất trước khi thôi việc (không tính phụ cấp kiêm nhiệm).
Tạo sự đồng thuận cao khi tinh gọn bộ máy
Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại tỉnh Phú Yên, các cơ quan trong hệ thống chính trị được kiện toàn theo hướng tinh gọn; giảm cấp trung gian, giảm nhiều đầu mối bên trong… Đó là kết quả của sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân.
Khi nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, nhà báo Phạm Đoàn Anh Kiệt, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nhà báo Phú Yên tâm đắc với nhận định: “Cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.
Theo nhà báo Phạm Đoàn Anh Kiệt, thực hiện chủ trương của Đảng, việc sắp xếp tổ chức hệ thống chính trị là cần thiết và đã được cả hệ thống chính trị thực hiện trong thời gian qua; được tiến hành từng bước, vững chắc trên cơ sở hoàn thiện lý luận về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bộ máy trong hệ thống chính trị càng phải tinh gọn và hoạt động hiệu quả, theo kịp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để thuận lợi khi sắp xếp, tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chúng ta nên chú trọng đến công tác tuyên truyền. Thực tiễn tại tỉnh Phú Yên gần đây cho thấy, nhờ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền nên việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại thành phố Tuy Hòa rất thuận lợi. Một điều đáng lưu ý là nếu không làm tốt tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của đảng viên và nhân dân, một số đối tượng thù địch có thể lợi dụng vấn đề tinh gọn hệ thống chính trị để xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước…
Với lịch sử gần 100 năm phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn là kênh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong lĩnh vực báo chí cũng đang thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch này không làm cho nền báo chí cách mạng Việt Nam yếu đi mà càng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” như tinh thần chỉ đạo chung của Tổng Bí thư Tô Lâm.