Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Tạo, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã thông tin tới cử tri về những nội dung dự kiến chủ yếu của Kỳ họp thứ 8; khái quát tình hình kinh tế - xã hội và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng năm 2024 của tỉnh Lâm Đồng.
Các cử tri bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước thời gian qua; đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giải quyết những vấn đề như: đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội bán giá thấp, bán trả góp cho người lao động; chính sách đối với viên chức là nhân viên ngành Giáo dục, phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức dân số; sớm triển khai 3 dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm cho người dân và công nhân, lao động.
Tại buổi tiếp xúc ở xã Ninh Gia, nhiều cử tri phản ánh các vấn đề thực tế ngay tại địa phương như: Giá sách giáo khoa tăng cao gây khó khăn cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số; người dân trong các vùng đồng bào dân tộc không được hỗ trợ cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, giao đất trồng rừng nhưng không có cây rừng, những vấn đề về tranh chấp đất đai…
Ngay sau ý kiến của các cử tri, lãnh đạo địa phương cũng tiếp thu, ghi nhận và giải trình các về các nội dung thuộc thẩm quyền.
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, qua hai buổi tiếp xúc đã có trên 40 lượt cử tri đóng góp ý kiến về hơn 50 vấn đề khác nhau. Điều này chứng tỏ cử tri rất quan tâm, có trách nhiệm về những vấn đề của địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, ông Phan Đình Trạc đã phân tích, làm rõ một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với giáo viên, hỗ trợ người lao động và đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lắng nghe ý kiến của người dân và giải quyết ngay một số vấn đề như: Xây dựng đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch vùng nông thôn; các chính sách về đất đai… Đối với các vấn đề mang tầm quốc gia như cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc, giảm giá sách giáo khoa để giảm áp lực kinh tế cho người dân…, ông Phan Đình Trạc ghi nhận và sẽ trình lên Quốc hội để sớm có phương án xem xét, giải quyết thỏa đáng cho người dân
Dịp này, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng 40 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Trạm Hành (thành phố Đà Lạt) và xã Ninh Gia (Đức Trọng).
Quảng Nam: Cử tri quan tâm việc xóa nhà tạm cho các gia đình chính sách
Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri từ ngày 30/9 - 7/10.
Tại các buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông tin một số vấn đề về tình hình kinh tế của đất nước cũng như của tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay; đồng thời, thông báo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cử tri tỉnh Quảng Nam đã có nhiều kiến nghị như: Đề nghị Quốc hội sửa đổi, điều chỉnh nội dung 2, tiểu dự án 1, Dự án 10 của Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội "Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030". Quốc hội và tỉnh cần ban hành quy định cụ thể và thống nhất quy chuẩn ghi tên họ của các tộc họ, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, cử tri tại huyện Nam Giang còn phản ánh, kiến nghị liên quan đến vấn đề lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, hỗ trợ sinh kế, giá điện và các chính sách liên quan đến trồng rừng gỗ lớn... Cử tri nêu rõ, so với vật giá hiện nay, mức hỗ trợ 30 triệu đồng đối với sửa chữa và 60 triệu đồng đối với xây mới là không khả thi. Vì vậy, Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để đủ khả năng thực hiện xóa nhà tạm theo chủ trương chung của tỉnh. Chế độ, chính sách cho cán bộ thôn cũng còn thấp, không đủ để khuyến khích cán bộ tham gia công tác chuyên môn.
Cử tri huyện Nông Sơn cho rằng, việc mỗi địa phương áp dụng một bộ sách giáo khoa riêng dẫn đến tình trạng thay đổi sách giáo khoa nhiều lần. Đồng thời sách giáo khoa của học sinh địa phương này không thể sử dụng ở địa phương khác, gây lãng phí rất lớn. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp mang tính toàn quốc.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến các cơ quan, bộ, ngành liên xem xét, giải quyết.