Những bước “thăm dò”…
Phải đặt mình vào những năm tháng ấy mới chừng nào cảm thông được nguồn gốc của tư duy thời đại. Một đất nước nghèo, một dân tộc lạc hậu gồng mình trong 30 năm chiến tranh (mà thực chất là trên 40 năm chiến tranh bởi còn hơn chục năm chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc).
Ít người hiểu rằng khi vào những năm chót của cuộc chiến tranh chống Mỹ, nguồn viện trợ trang bị vũ khí lương thực và tài chính giảm tới mức gần tới số 0. Cho nên sau ngày 30/4/1975 lịch sử, dẫu tư tưởng chỉ đạo không được say sưa với chiến thắng để dốc sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và xây dựng đất nước. Lẽ ra khi nói không say sưa với chiến thắng nghĩa là phải bình tâm xem xét đời sống chính trị, kinh tế, xã hội để xác định đường lối chiến lược cho phù hợp nhưng vầng hào quang chiến thắng đã dẫn đến bệnh duy ý chí áp dụng máy móc những đường lối chính sách đã tạo ra sức mạnh cho thời chiến từ miền Bắc phổ cập ra trong cả nước.
Từ Phnôm Pênh về Sài Gòn, anh em yêu cầu cần phải ra báo cáo với cấp cao. Ra Hà Nội, Đống Ngạc cảm thông đưa ngay lên gặp anh Ba Lê Duẩn. Anh Ba hỏi nhiều về tình hình Campuchia nhưng mới nói được vài câu về những khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam thì anh đã ngắt lời và nói luôn: Trung ương đã biết cả rồi và lúc này đây không chỉ các bộ trưởng mà Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng đều vào để tìm cách giải quyết tình hình. Lúc chào anh ra về, anh đứng dậy vỗ vai thay cho cái bắt tay và nói thêm: Ngay những năm chiến tranh ác liệt cũng chưa bao giờ dự trữ ngoại tệ mỏng đến mức không mua nổi một tháng lương thực. Bây giờ dự trữ hàng chục tỷ đô la vẫn còn thấy mỏng, vậy mà cuối những năm 70 đầu những năm 80 dự trữ ngoại tệ chỉ tính bằng con số chục triệu.
Tối về số 5 Lý Thường Kiệt kể lại với anh Đào Tùng. Cùng nhau bàn bạc một lúc về tình hình chung đất nước. Như thói quen thường thấy, Đào Tùng bỗng sôi nổi: Ta phải bứt ra trong khó khăn chung đó. Mấy năm nay ta đã phát triển mạnh tờ báo ảnh, tiếng Nga in ở Mátxcơva, tiếng Tây Ban Nha in ở La Habana, số lượng phát hành ngày càng tăng, nhà in ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã định hình. Ta thử nghĩ xem trong tình hình xã hội hiện nay chúng ta có tìm ra được cách gì đưa thông tin rộng rãi đến nhân dân không. Chưa kịp bàn bạc gì thêm thì trưởng phòng thư ký Xuân Ổn đã chạy vào hỏi: Hai anh cùng đi Campuchia một đợt hay đoàn anh Đào Tùng đi sau.
Chợt nhớ đến kế hoạch đoàn Thông tấn xã Việt Nam thăm chính thức Campuchia phải nói với Xuân Ổn: Đoàn đi thăm chính thức thì phải đi sau cho đường hoàng. Bọn mình cũng cần phải chuẩn bị đón. Xuân Ổn ra ngoài, Đào Tùng lại tiếp tục mạch suy nghĩ của mình: Năm 79, Trung ương đã có chút gợi mở tìm cách xoay chuyển tình hình và thực tế đang manh nha những hiện tượng xé rào cả trong Nam ngoài Bắc. Thông tin phải đi trước một bước nhưng những thông tin có chút gai góc trên bản tin trong nước và tin thế giới không được báo nào dùng, kể cả đài phát thanh cũng không đọc. Mấy bài trên báo ảnh được báo địa phương đăng lại đều bị phê bình. Ta phải tính cách nào thông tin của Thông tấn xã tiếp cận được cán bộ và nhân dân không qua khâu trung gian mới có thể thực hiện thông tin đi trước một bước. Đào Tùng đứng dậy: Phải tìm ra cách thôi. Cần bố trí thời gian ở Phnôm Pênh cùng nhau bàn, tìm cách gỡ.
Đúng buổi tối cuối cùng của chuyến thăm của Đào Tùng với tư cách là thượng khách của nhà nước Campuchia, chúng tôi đã quyết định mở màn bằng Espana 82.
Espana 82 tuy thời gian không dài nhưng đã tạo ra một diện mạo thông tin mới. Người dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc không hiểu từ nguồn cớ nào mà say mê bóng đá đến kỳ lạ. Mọi khó khăn trong cuộc sống và những lo lắng âm ỉ trong xã hội hầu như đều được gác lại. Dẫu đã huy động mọi khả năng về nguồn giấy được Nhà nước cấp để in tin, mua lại cả nguồn giấy dôi dư của khách hàng ở nhà in và anh Khánh vốn thông thạo Sài Gòn đã chạy đôn đáo đi xin và mua lại với giá cao vẫn không đủ để in bản tin bóng đá với số lượng ngày sau cao gấp nhiều lần ngày trước. Với giá bán có lãi và lượng phát hành lớn, Espana 82 đem lại nguồn thu với thời đó là ngoài sức tưởng tượng.
Nhưng đối với lãnh đạo Thông tấn xã, lớn hơn cả chính lại là mở ra con đường lần đầu tiên trực tiếp thông tin đến quần chúng không qua khâu trung gian. Chỉ có điều thời điểm đó hàng tuần đều có giao ban tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại T78 Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ. Không dưới bốn lần phải giải trình với ông Sáu Thọ về việc Espana xuất bản không có giấy phép, về nguồn tiền thu được và việc sử dụng nguồn tiền đó, cả việc bỏ tiền mặt mua những máy in tipô của các chủ nhà in cất giấu khi tiến hành cải tạo. Cũng may dẫu có lời phê phán gay gắt nhưng chỉ phải giải trình mà không phải chịu hình thức kỷ luật nào.
Chiều thứ bảy (không còn nhớ ngày tháng), đang ngồi suy nghĩ xem sau thành công ở Espana 82 có thể làm gì như đã bàn bạc với Đào Tùng về phương thức thông tin trực tiếp từ Thông tấn xã đến nhân dân thì anh Phạm Chung đi bộ từ T78 sang. Phạm Chung là Phó văn phòng Trung ương Đảng hầu như thường trực ở T78, tuổi chưa cao nhưng tóc anh cũng bạc trắng như tóc Đào Tùng. Đã nhiều năm, Phạm Chung gần gũi và cảm thông với Thông tấn xã và ít nhất đã một lần anh giúp qua cơn thịnh nộ của anh Sáu Thọ bằng cách bay ra Hà Nội cùng Đào Tùng đón tôi ở sân bay Nội Bài từ La Habana và Mátxcơva trở về sau khi kí kết việc in báo ảnh ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa ba Đảng.
Các anh đã chuẩn bị sẵn vé bay thẳng từ Nội Bài vào Thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Chung nói: Hai lần giao ban tổng đoàn anh đều không có mặt, lần nào anh Sáu cũng hỏi với thái độ giận dữ vì rời Phnôm Pênh đi nước ngoài mà không báo cáo. Hôm nay Phạm Chung sang không biết lại có chuyện gì nữa đây. Nhưng nhìn thái độ tươi cười của Phạm Chung cảm thấy nhẹ nhõm. Anh nói chậm rãi: Ảnh hưởng của Espana 82 rất tốt đối với dư luận và góp phần ổn định không khí xã hội nên anh Sáu đã bỏ qua lời đề nghị thi hành kỷ luật Thông tấn xã nhưng nếu các anh muốn làm tới thì phải cẩn thận. Chỉ có anh Ba (Lê Duẩn) nói ông Sáu mới chịu nghe. Anh đã làm việc với anh Ba nhiều năm nay nhân lúc đã bàn giao trưởng đoàn chuyên gia Thông tấn xã cho Trần Hữu Năng rồi, nếu muốn làm gì tiếp thì phải ra gặp anh Ba.
Gặp Đống Ngạc ở Hà Nội. Không khí khác hẳn với T78. Đống Ngạc tươi cười: Các cụ đều khen Thông tấn xã ra tin Espana 82 tạo ra một không khí mới trong dư luận xã hội. Được dịp đề nghị ngay với Đống Ngạc xin gặp anh Ba. Đống Ngạc vui vẻ: Vậy thì cuối chiều nay lên thẳng hồ Tây, các cụ đang họp trên đó.
Bản lĩnh làm nên vị thế
Trên đường từ hồ Tây về nhà, chúng tôi như trút được gánh nặng bởi câu nói khẳng định của Bí thư thứ nhất: Đảng đã giao nhiệm vụ cho các anh, cán bộ, nhân dân cần được thông tin như thế nào và cần những thông tin gì, các anh phải làm tròn trách nhiệm của mình, Trung ương đâu có làm thay các anh.
Bỏ thói quen ngửi thấy hơi xe là ngủ, Đào Tùng sôi nổi: “Được bật đèn xanh thế này mà không làm được thì chẳng còn trách ai được nữa. Từ nay chúng ta phải thực hiện đa dạng hóa thông tin nhưng phải có định hướng chuẩn xác, đừng sa vào việc tranh cãi thông tin một chiều hay thông tin nhiều chiều. Suy cho cùng chỉ có một chiều vì cách mạng, vì đất nước, vì nhân dân nhưng lại phải đa dạng hóa nội dung và loại hình thông tin”. Và ngay tối hôm đó đã nhất trí quyết định xuất bản ba tờ tuần tin: “Văn hóa và Thể thao quốc tế” (nay là báo “Thể thao & Văn hóa”), “Tuần Tin Tức” và “Khoa học kỹ thuật và Kinh tế thế giới” (nay là “Khoa học và Công nghệ”).
Thời đó, xuất bản mà không có giấy phép thì Nhà nước không cấp giấy in. May sao đồng chí chuyên viên của Ủy ban Kế hoạch nhà nước sau khi khảo sát chất lượng giấy pơ-luya của nhà máy giấy Hai Luận (nay là Công ty Itaxa của TTXVN) lại sẵn sàng thỏa thuận đổi giấy pơ-luya lấy giấy in báo. Như vậy chỉ cần tăng ca sản xuất giấy pơ-luya, khỏi lo việc chạy giấy in báo. Thận trọng hơn, chúng tôi quyết định “Văn hóa và Thể thao quốc tế” ra trước một bước để Đỗ Phượng đứng tên Tổng Biên tập, tiếp đó sẽ xuất bản “Tuần Tin Tức” đứng tên Đào Tùng làm Tổng Biên tập, còn anh Trần Thanh Xuân dẫu đang ở miền Nam vẫn được cử đứng tên Tổng Biên tập tuần tin Khoa học kỹ thuật và Kinh tế thế giới. Anh Đào Tùng nói vui: “Nếu có cấp nào ra quyết định đình chỉ ba tờ này thì cũng là cách chức cả ba thằng chúng mình” (!).
Tại sao lại đặt tên “Tuần Tin tức”? Lẽ ra có tuần tin Văn hóa và Thể thao quốc tế, tuần tin Khoa học kỹ thuật và Kinh tế thế giới thì phải là một tuần tin chính trị xã hội. Nhưng đối với anh Đào Tùng và chúng tôi thì tờ News Week (Tuần Tin tức) vốn là “thần tượng” suốt những năm chiến tranh cho đến lúc bấy giờ. Đặt tên Tuần Tin tức là muốn học kiểu làm báo của News Week.
Không chỉ Văn hóa và Thể thao quốc tế được đông đảo bạn đọc hưởng ứng mà Tuần Tin tức ra sau ít tuần và đối tượng có khác một chút nhưng số lượng phát hành cũng không thua kém Văn hóa và Thể thao quốc tế.
Một điều thú vị muốn kể lại ở đây là giữa lúc chúng tôi đang hoan hỉ vì đã xuất bản được ba tờ tuần tin thì anh Trường Chinh cho gọi lên để dự thảo một bài diễn văn để anh đọc tại một hội nghị quan trọng. Như thông lệ, bao giờ cũng vậy, một bài đăng báo hoặc một bài diễn văn anh Trường Chinh đều triệu tập mấy anh em, kể cả người được giao viết chính, cùng anh em bàn bạc chủ đề và bố cục của bài báo, thậm chí đến chi tiết từng phần của bài cho nên người có trách nhiệm viết chính hầu như đã nắm chắc vấn đề. Viết xong, đích thân anh Trường Chinh sửa từng câu từng chữ cả từ chữ viết hoa đến những dấu chấm, dấu phẩy. Cuối buổi làm việc, anh Trường Chinh nói: “Các địa phương hiện nay đang manh nha những sáng kiến mới cả trong kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và thương mại. Có sáng kiến đã mang lại hiệu quả thiết thực nhưng vẫn gặp nhiều phản ứng, thậm chí phê phán gay gắt. Anh Lê Thanh Nghị đang đi xem những sáng kiến ở nông thôn miền Bắc. Tôi được phân công vào miền Nam xem tình hình mua bán gạo ở Thành phố Hồ Chí Minh và bù giá vào lương ở Long An. Nếu sắp xếp được thì các anh Thông tấn xã cùng vào miền Nam với tôi”.
Theo anh Năm Trường Chinh đi thăm công ty mua bán gạo Sài Gòn càng thấy rõ tác phong của nhà lãnh đạo này. Anh không chỉ hỏi kỹ càng đến từng chi tiết cách làm ăn của công ty mà còn sờ từng hạt gạo và tiếp xúc với người dùng tay mà biết chất lượng từng loại gạo được chị giám đốc công ty trả lương hậu hĩnh gấp nhiều lần một cán bộ bình thường. Tôi nhớ mãi câu anh Năm nói với chị giám đốc công ty: “Với những người có tài năng thiên phú như thế này thì có trả lương gấp 10 lần cũng đáng”.
Lại theo anh về Long An nghe báo cáo tình hình thực hiện bù giá vào lương. Cũng như ở TP Hồ Chí Minh, anh Năm trực tiếp tìm gặp và thăm hỏi cán bộ nhân viên và ra cả chợ để hỏi chuyện những người mua bán hàng. Tối đó anh ở lại làm việc riêng với Bí thư Tỉnh ủy Long An. Tôi tranh thủ xin phép anh Trường Chinh mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Long An lên TP Hồ Chí Minh nói chuyện với anh em Thông tấn xã và các nhà báo ở thành phố. Anh Năm vui vẻ chấp thuận.
Còn nhớ trước buổi Bí thư Tỉnh ủy Long An nói chuyện với các nhà báo ở trụ sở Thông tấn xã tại TP Hồ Chí Minh, anh Tố Hữu còn gọi tôi dặn dò: Chúng ta đều tán thành ý kiến của anh Năm nhưng dẫu sao cũng phải chờ đợi kết luận của tập thể Bộ Chính trị cho nên cuộc gặp gỡ giữa Bí thư Tỉnh ủy Long An với Thông tấn xã và một số nhà báo ngoài Thông tấn xã, các cậu đừng vội đưa tin. Anh còn dặn dò anh em ủng hộ những việc làm có hiệu quả nhưng tin, bài viết cần thận trọng. Tố Hữu còn nói thêm: “Cần phải biết chờ đợi, làm báo phải tránh hấp tấp, nôn nóng”.
Viết lại những điều này để hiểu rõ vì sao Tuần Tin tức dám mạnh dạn đưa những tin gai góc. Về hai sự kiện chấn động dư luận từ những bài đăng trên Tuần Tin tức, cần phải nói thêm về bài “Ngành than trước ngưỡng cửa báo động”. Sau khi báo đăng thì cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Đỗ Mười cùng lúc có hai quyết định, một là: Ngừng chuyến đi công tác nước ngoài của Bộ trưởng Bộ Điện và Than, hai là: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phải kiểm điểm và cùng với lãnh đạo khu mỏ kiểm tra tình hình và sửa chữa ngay những điều làm chưa đúng. Cho nên Thông tấn xã và Tuần Tin tức không chỉ phải đối diện với sự phản ứng của lãnh đạo Quảng Ninh mà của cả lãnh đạo Bộ Điện và Than.
Còn sự kiện Thanh Hóa thì kéo dài và phức tạp hơn nhiều. Thơ Linh Cơ (Phạm Vũ Tâm) nhiều lần phải vào Thanh Hóa bằng ô tô đến Ninh Bình rồi nhờ các phương tiện khác nhau để bí mật vào Thanh Hóa xác minh và thẩm định tài liệu. Thậm chí Thông tấn xã còn phải kín đáo đón đồng chí Phó Giám đốc Công an Thanh Hóa (sau này làm Thứ trưởng Bộ Công an) cùng một nhà văn và một nhân chứng về trú tạm ở nhà số 3 Phan Huy Chú (Hà Nội). Tuy nhiên cũng cần nói lại việc lãnh đạo Thông tấn xã mời đồng chí Hà Trọng Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, làm việc chung với ý định chỉ cần anh Hà Trọng Hòa viết bài kiểm điểm có mức độ đăng trên Tuần Tin tức thì có thể kết thúc cuộc đấu tranh. Rất tiếc, anh Hà Trọng Hòa đã kiên quyết từ chối không gặp lãnh đạo Thông tấn xã, trái lại còn tổ chức họp báo phê phán Thông tấn xã và cho báo Thanh Hóa viết những bài dài lật ngược lại tình hình. Trước tình hình đó, Trần Mai Hạnh, Thơ Linh Cơ và chúng tôi phải đề ra quyết định cuối cùng là công bố bài viết về Lan “lừa” vốn đã có sẵn tư liệu và chuẩn bị từ trước. Xét duyệt lại lần cuối cùng bài báo “đòn đánh” cuối cùng quyết định số phận Hà Trọng Hòa và cho đăng vào số báo ngày hôm sau. Tôi cầm bản thảo bài viết lên gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và báo cáo với Tổng Bí thư: “Ngày mai báo sẽ đăng bài này, đề nghị Bộ Chính trị xem xét. Nếu báo viết đúng thì chắc chắn anh Hà Trọng Hòa không thể giữ chức vụ hiện nay. Còn nếu sai thì chúng tôi xin nhận trách nhiệm tội vu cáo”.
Những thông tin đa dạng và nhanh nhạy từ các địa phương và thế giới làm cho Tuần Tin tức có vị trí được coi trọng trong đội ngũ báo chí. Cho đến cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, khi mặt trận báo chí của nước ta đã có bước chuyển mình thì thần tượng báo nước Pháp buổi chiều (France soir) lại chiếu tia sáng vào nhà số 5 Lý Thường Kiệt khi tờ “Tin tức Buổi chiều” ra đời nhằm đưa những tin từ nửa đêm hôm trước đến buổi sáng hôm sau. Tin tức Buổi chiều đã có “đất sống” trong một số năm để dành chỗ cho tờ Tin tức hàng ngày ra vào buổi sáng như hiện nay.
Người viết bài này cảm thấy thích thú khi hai thần tượng của mình News Week và France soir đều đã rời khỏi vũ đài thì Tin tức với sự ủng hộ của Đảng, Chính phủ và sự hỗ trợ của lãnh đạo các địa phương và bằng sự nỗ lực của bản thân mình không chỉ đứng vững mà nếu biết rút kinh nghiệm có nhiều thông tin nhanh và ngắn đáp ứng đúng đòi hỏi của nhân dân thì tương lai vẫn đang rộng mở.
Bài viết đã quá dài, chỉ xin thêm ít dòng nữa. Tin tức ra đời năm 1983 nhưng chưa có giấy khai sinh. Mãi đến ngày 29 Tết âm lịch năm 1984, khi Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên huấn trung ương và một đoàn cán bộ cấp vụ các cơ quan chức năng đến làm việc với lãnh đạo Thông tấn xã. Nhớ mãi bởi không ít người cùng đi với đồng chí Phó trưởng ban tiếp tục phê phán Thông tấn xã và thậm chí có người kiến nghị đình bản cả ba tờ báo. Rất may là không chờ cho lãnh đạo Thông tấn xã phải trình bày, đồng chí Phó trưởng ban Đào Duy Tùng đã kết luận, anh nói khiêm tốn: “Bây giờ tôi xin truyền đạt ý kiến của Ban Bí thư: Ba tờ báo chưa có giấy phép chính thức nhưng từ năm 1982, lãnh đạo cao nhất của Đảng đã đồng ý cho Thông tấn xã làm công việc này. Thông tấn xã đã thực hiện đa dạng hóa thông tin có định hướng. Tuy không tránh khỏi những sai sót nhỏ nhưng định hướng của ba tờ báo là chuẩn xác, góp phần vào việc ổn định và động viên dư luận xã hội. Vì vậy, ngay sau đây, bộ chức năng cần cấp giấy phép chính thức cho ba tờ báo”.
Vậy là không phải đi xin mà giấy phép được đưa đến số 5 Lý Thường Kiệt!