Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ xúc động và đánh giá cao sáng kiến của Ban tổ chức khi thực hiện chương trình này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các thầy, cô giáo dạy học cho trẻ khuyết tật ngoài nghị lực, sự kiên trì còn có tấm lòng bao la, rộng mở, vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình để dạy dỗ học sinh, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Những việc làm của các thầy, cô là sự nhắc nhở mỗi chúng ta phấn đấu trở thành những người có ích cho xã hội.
Phó Thủ tướng chia sẻ: Hiện nay, nhiều trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật đã được xây dựng, cùng với đó, nhiều trường phổ thông trên cả nước đã đón nhận trẻ khuyết tật vào học hòa nhập. Nhiều thầy, cô giáo tuy còn rất trẻ nhưng đã quyết định lựa chọn ngã rẽ gian nan là dạy học và đồng hành cùng trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ em khuyết tật của nước ta được đến trường học tập vẫn còn quá thấp so với nhu cầu. Vì vậy, nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục thời gian tới cần khuyến khích các trường phổ thông tích cực hơn nữa trong việc đón học sinh khuyết tật vào học hòa nhập, tạo thành phong trào sâu rộng để các thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh nhận thức đầy đủ vấn đề này và cùng chung tay giúp đỡ các trẻ em khuyết tật. Đây không chỉ là đạo lý, tình cảm mà còn là trách nhiệm của mỗi người, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Năm nay, Ban tổ chức tuyên dương 48 gương thầy, cô giáo đến từ các tỉnh, thành phố. Trong đó, người nhiều tuổi nhất là thầy giáo Vy Văn Vọng, sinh năm 1961, giáo viên Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn. Người trẻ tuổi nhất là cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương, sinh năm 1990, giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cô giáo Nguyễn Thị Dang, sinh năm 1990, giáo viên Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Người có thời gian tham gia dạy học lâu năm nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tỉnh Thái Bình dạy học từ năm 1985 đến nay.
Trong chương trình, các thầy, cô giáo đã chia sẻ về quá trình đến với nghề dạy học cho trẻ khuyết tật; những khó khăn, vất vả, những giọt nước mắt và cả những nụ cười trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ. Đặc biệt, niềm hạnh phúc của mỗi thầy, cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan và niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ, giúp các em khuyết tật tự khẳng định bản thân và có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đại diện Ban tổ chức chương trình chia sẻ: Bằng tình yêu thương và sự tận tâm, các thầy, cô giáo đã đem đến niềm vui, sự tự tin hòa nhập cộng đồng cho những học trò kém may mắn. Công việc của họ gian khổ nhưng mang nhiều ý nghĩa cao đẹp. Với những hỗ trợ thiết thực và sự tôn vinh xứng đáng, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” mong muốn san sẻ những khó khăn và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các giáo viên dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được triển khai từ năm 2015. Trong ba năm từ 2015-2017, chương trình đã tôn vinh 166 thầy, cô giáo là những giáo viên “cắm bản” tiêu biểu đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc 64 huyện nghèo; các thầy, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo, các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng từng tham gia công tác dạy học, xóa mù chữ cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Tổ quốc, có nhiều đóng góp trong vận động nguồn lực giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.