Tham dự Lễ mít tinh có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; lãnh đạo các bộ cùng trên 2.000 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu mục tiêu của cả nước hàng năm là kéo giảm 5%: số vụ tai nạn giao thông, số người bị chết vì tai nạn giao thông, số người bị thương vì tai nạn giao thông.
Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về "đã uống rượu, bia không lái xe", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặc biệt nhấn mạnh đến các sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước - thông điệp của Chương trình là Không lái xe sau khi đã uống rượu bia; không uống rượu bia nếu phải lái xe sau bữa ăn; không mời, ép người khác uống rượu bia nếu biết họ phải lái xe sau khi uống; không ngồi lên xe ô tô, mô tô mà người lái vừa uống rượu bia.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tuyên truyền, phổ biến, vận động để người thân, gia đình, bạn bè, toàn xã hội chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Đối với Đoàn Thanh niên, phải xung phong tuyên truyền, phổ biến, hình thành các phong trào thi đua để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở để thực hiện tốt Ngày Pháp luật Việt Nam nhưng cũng là ngày đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định, sự kiện này là một trong những điểm nhấn quan trọng trong tổng thể các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2020, góp phần triển khai Ngày Pháp luật với nội dung, hình thức hưởng ứng ngày càng đổi mới, đa dạng, bám sát những vấn đề từ thực tiễn. Đây cũng là hoạt động thiết thực để cụ thể hóa chủ đề của năm an toàn giao thông 2020, một trong rất nhiều hoạt động mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả thời gian qua nhằm xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng.
Thông qua Chương trình, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh hy vọng thông điệp "Đã uống rượu, bia không lái xe" sẽ đến gần nhất, nhanh nhất, có hiệu quả nhất tới các bạn trẻ, là cơ hội để thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết, gương mẫu, tiên phong trong việc nghiêm túc chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về an toàn giao thông nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh mong muốn thông điệp này sẽ lan tỏa đến mỗi sinh viên trên cả nước, từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội, để thấy việc chấp hành pháp luật thật cần thiết và cũng thật đơn giản như công việc hàng ngày, để việc "Đã uống rượu, bia không lái xe" trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông, góp phần mang lại nụ cười, hạnh phúc, sự bình yên cho mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh mong muốn, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tiếp tục đổi mới về tư duy và cách thức tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, phát huy sự sáng tạo, bảo đảm ngày càng thực chất và hiệu quả. Đặc biệt cần có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Ngày Pháp luật để việc hưởng ứng Ngày Pháp luật trở thành công việc thường xuyên, là nhiệm vụ và trách nhiệm chung của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân.
Bảo đảm trật tự an toàn giao thông được Đảng và Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong công tác bảo đảm trật tự an toàn và an sinh xã hội. Liên tục từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân trong đó có lực lượng sinh viên, tai nạn giao thông đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Nếu năm 2010 số người chết do tai nạn giao thông là gần 12.000 người thì đến năm 2019 chỉ còn khoảng 7.600 người, tương đương với con số năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần.
Đặc biệt, so sánh 10 tháng năm 2020 với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 21% và số người chết do tai nạn giao thông giảm gần 14%, đây là mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây. Kết quả này khẳng định sự đúng đắn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thực hiện hiệu quả 2 văn bản pháp luật rất quan trọng đó là Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Để xây dựng một xã hội văn minh với văn hóa thượng tôn pháp luật, trong đó có văn hoá giao thông an toàn, thấm nhuần và trở thành những giá trị bền vững thì cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực thi pháp luật.
Hưởng ứng thông điệp của Chương trình, các bạn sinh viên cam kết không chỉ học tập, rèn luyện tốt, xây dựng ý thức văn hóa thượng tôn pháp luật mà còn cam kết cùng thực hiện "4 không" như người đứng đầu ngành giao thông vận tải đã nêu. Đồng thời, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa giao thông không rượu bia với mục tiêu vì cuộc sống lành mạnh, vì một tương lai tốt đẹp, vì một xã hội an toàn, hạnh phúc và phát triển…