Để tiếp tục ứng phó với các hình thái thời tiết trên trong thời gian tới, Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương tiếp tục tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...
Theo Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, bão số 2 và hoàn lưu của bão xảy ra trong ngày 22 - 23/7 đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Tính đến 20 giờ ngày 23/7, bão số 2 và hoàn lưu bão đã làm 16 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại (Thanh Hóa, Nghệ An ); 28.100 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng (Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An); hơn 300 điểm sạt lở với tổng khối lượng trên 10.000 m3 đất, đá, bê tông (hiện tại các điểm sạt lở đã được xử lý và thông xe tạm thời); 1 tàu xi măng cỡ nhỏ và 1 xuồng cao tốc nhỏ bị chìm tại ở neo đậu tại Quảng Ninh; 871 con gia súc con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) đã xảy ra các đợt mưa lớn khiến một nhà dân tại xã Tạ Khoa bị ngập nước; một nhà dân tại xã Mường Khoa sạt lở taluy khiến đất đá tràn vào nhà, một nhà dân tại xã Hua Nhàn bị sạt lở taluy gây hư hỏng nặng cần phải di chuyển nơi ở. Công trình trường Trung học cơ sở xã Tạ Khoa hiện bị ngập nước khoảng 1,3m; điểm trường mầm non bản Khoa xã Mường Khoa, trụ sở Ủy ban nhân dân xã Mường Khoa bị ngập nước sâu khoảng 0,4m; 4,48 ha lúa bị đất đá vùi lấp; nhiều ao cá của người dân bị cuốn trôi; một số tuyến đường liên bản liên xã bị sạt lở đất với khối lượng đất đá lớn; tuyến đường dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp đường nối Quốc lộ 37 thuộc huyện Bắc Yên với Quốc lộ 279D thuộc huyện Mường La bị sạt lở gây ắc tắc giao, đang được các lực lượng khắc phục. Ngoài ra, mưa lớn xảy ra thường xuyên gây nguy cơ sạt lở cho khu vực UBND xã Hang Chú, phía đỉnh cung sạt lở xuất hiện các vết nứt kéo dài, chiều rộng khe nứt trung bình khoảng 20cm…
Mưa kéo dài khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội bị ngập sâu như đường phía sau toà N02 và N03 cạnh chung cư Ecohome 3 nằm trên địa bàn phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có điểm ngập đến 50 - 60cm nên các phương tiện không thể di chuyển được. Đặc biệt, nước ngập sâu ở đường vào khu chung cư Ecohome 3 khiến cổng số 1, số 2 và số 3 của trường Tiểu học Đông Ngạc bị ngập. Các tuyến phố như: Triều Khúc, Ngọc Hồi, đường Quyết Thắng, Quang Trung và đường gom Đại lộ Thăng Long… cũng xuất hiện nhiều điểm ngập úng sâu, khiến giao thông đi lại rất khó khăn. Cùng với đó, do mưa kèm theo gió lớn nên một số tuyến đường xuất hiện tình trạng cây gãy cành rơi xuống đường. Trên đường Hoàng Minh Giám có một cây bị bật gốc gãy đổ chắn ngang đường, nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại Km127+700, Quốc lộ 4D (đoạn thuộc xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) xảy ra sạt lở đất đá kèm theo đổ cây từ taluy dương đã gây tắc đường, ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông của người dân.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cử lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.