Trong tuyên bố của mình, bà Rana Flowers bày tỏ sự đau buồn và mối quan ngại sâu sắc về việc một bé gái tử vong do bạo lực từ chính người gần gũi trong gia đình, đồng thời cảnh báo các vụ xâm hại trẻ em đang ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian phong tỏa vì COVID-19, báo hiệu nhu cầu cấp bách cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn.
Theo Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn với phụ nữ và trẻ em. Đó là một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo, không phải các tình nguyện viên hay các cán bộ phúc lợi không được đào tạo. Các nhân viên công tác xã hội cần là lực lượng chuyên nghiệp có trình độ, có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em, phụ nữ.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng đề nghị tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em cho lực lượng công an, thẩm phán và nhấn mạnh lực lượng này cũng như cộng đồng cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực trẻ em. Bà Rana Flowers nêu rõ và khẳng định, những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà.
“Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa, đứng lên bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng không thể chấp nhận được và họ cần tìm kiếm sự giúp đỡ để ngăn chặn bạo lực”, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers kêu gọi.
Cho biết UNICEF cùng các tổ chức của Liên hợp quốc, chính phủ một số nước và tổ chức quốc tế khác đã và đang có những hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em, phụ nữ có sự điều phối giữa các bên liên quan, song bà Rana Flowers nhấn mạnh, để đảm bảo có được sự thay đổi rõ ràng về nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phụ nữ ở Việt Nam, cần có sự đầu tư nguồn lực, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong xây dựng hệ thống bảo vệ tương tự như các hệ thống hiện có ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.