Trong ánh nắng hanh hao của những ngày cuối thu, đông đảo đại diện chính quyền địa phương và các hội đoàn, hậu duệ của những người lính thợ Đông Dương, cùng cộng đồng người Việt Nam tại địa phương và các sinh viên đang theo học chương trình Việt Nam học "Tremplin pour le Vietnam" của Đại học Paul-Valéry Montpellier III, đã tề tựu bên bức tượng người lính thợ Đông Dương đặt trong khuôn viên của Tòa thị chính làng Salin-de-Giraud, để kỷ niệm 10 năm ra đời biểu tượng này. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, cùng bà Cécile Lenglet, Phó quận trưởng, và ông Patrick de Carolis, Thị trưởng thành phố Arles, cũng tới tham dự hoạt động tưởng niệm.
Sau tiếng nhạc trầm hùng của quốc ca Việt Nam và Pháp, các đại biểu đã thắp hương và đặt vòng hoa tưởng niệm dưới chân bức tượng một người lính thợ, đầu vươn cao nhìn ra cánh đồng, cuốc vác trên vai và bó lúa dưới chân. Bức tượng bằng sắt được đặt trên một khối đá ghi các dòng chữ : “Nhớ ơn hai mươi ngàn công nhân người Việt Nam đã bị trưng dụng từ năm 1939 đến 1952. Để tưởng niệm lịch sử những người thợ Việt Nam tại Pháp và tưởng niệm những ai đã rời đời trên đất Pháp”, bằng hai ngôn ngữ Việt Nam và Pháp.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Myriam Le Huu, chủ tịch Hiệp hội Tưởng nhớ những người công nhân Đông Dương (MOI), cũng là một hậu duệ của họ, đã điểm lại quá trình tới Pháp, cũng như những đóng góp của những người lính thợ Việt Nam trong sự phát triển của nghề trồng lúa ở Camargue và giúp cho gạo vùng này trở thành đặc sản quốc gia. “Hôm nay, chúng ta tập trung tại đây để tưởng nhớ khoảnh khắc mười năm ra đời của bức tượng vốn không chỉ là một tượng đài đơn thuần. Nó tượng trưng cho hình ảnh bất tử của người nông dân Việt Nam đang đi ra đồng gieo cấy, duy trì truyền thống trồng lúa của tổ tiên trên những cánh đồng Camargue. Bức tượng đã được thực hiện bởi chính nghệ sĩ tài hoa Lê Bá Đảng, một trong những người lao động Đông Dương đã ở lại Pháp, nơi ông đã có một sự nghiệp nghệ thuật nổi tiếng quốc tế”, bà Myriam Le Huu nhấn mạnh.
Thay mặt chính quyền địa phương, bà Cécile Lenglet, phó quận trưởng Arles đánh giá cao sự đóng góp của những người lính thợ Việt Nam và khẳng định sự hợp tác ngày nay giữa Pháp và Việt Nam trở nên năng động hơn trong một số lĩnh vực, một phần cũng nhờ vào những người lao động từ nước này đã mang tới Camargue "nền văn minh lúa gạo" của họ, tạo nên đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Patrick de Carolis, thị trưởng Arles, cho biết sự kiện chính là dịp để chính quyền địa phương bày tỏ sự biết ơn đối với những người lính thợ Đông Dương, trong đó không chỉ có Việt Nam, mà cả Lào và Campuchia, để tưởng nhớ tới những đau khổ mà họ đã phải chịu đựng cũng như những đóng góp của họ cho sự phát triển của nước Pháp thời đó. Đồng thời chúng tôi cũng phải cảm ơn họ đã lập gia đình, để lại hậu duệ của họ, những người đang đóng góp vào sự năng động không chỉ về kinh tế, xã hội, mà cả văn hóa của tỉnh. Trong mối quan hệ với các cộng đồng khác như người Ý, người Tây Ban Nha, hay người Hy Lạp, các thế hệ con cháu của những người lính thợ Đông Dương đang góp phần tạo nên sự đa dạng và sôi động của vùng đất này.
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự quan tâm mà các cấp chính quyền địa phương dành cho cộng đồng người Việt Nam tại đây trong thời gian qua. Đại sứ nhấn mạnh trang sử chung giữa Việt Nam và Pháp có những bước thăng trầm, nhưng việc chia sẻ ký ức luôn là một việc làm quan trọng để hai bên tiếp tục xây dựng những trang mới về hợp tác và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, để cùng đồng hành hướng tới tương lai. Đại sứ Đinh Toàn Thắng nêu rõ đó cũng là tinh thần những gì hai bên đã thể hiện trong năm 2024 này, khi kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ, và cũng là tinh thần mà Lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh khi thống nhất đưa quan hệ Việt Nam - Pháp lên tầm cao Đối tác chiến lược toàn diện, nhân chuyến thăm chính thức Pháp vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, ngày 19-20/10 tại vùng Camargue, thuộc thành phố Arles, tỉnh Bouches-du-Rhône ở miền Nam nước Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng đã làm việc với các cấp chính quyền địa phương và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam trong vùng. Nhân dịp này, một cuộc triển lãm giới thiệu quá trình đến Pháp và những đóng góp của những người lính thợ Việt Nam trong sự phát triển của nghề trồng lúa ở Camargue đã được tổ chức tại Tòa thị chính làng Salin-de-Giraud.
Những con người không bị lịch sử lãng quên
Trong những năm 1939-1940, khoảng 20.000 công nhân Đông Dương bị cưỡng bức đưa sang Pháp trên 14 chiếc tàu xuất phát từ các cảng khác nhau ở Việt Nam đến Marseille, để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân công trong các nhà máy vũ khí của Pháp phục vụ cho Thế chiến thứ Hai. Họ phải làm việc trong những điều kiện lao động bị bóc lột, vất vả, cực nhọc, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, mà cả trong các lĩnh vực kinh tế khác của Pháp như nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất muối và làm ruộng. Đến đầu những năm 1950, ngoài những người đã mất và phần lớn những công nhân khác trở về quê hương, chỉ còn lại khoảng 2.000-3.000 người chấp nhận ở lại Pháp do đã lập gia đình và có vợ con.
Mặc dù sống trong điều kiện cơ cực nơi đất khách quê người, những lính thợ đó cũng để lại những thành quả lao động đáng tự hào trên đất Pháp. Năm 1942, khoảng 500 người lao động Việt Nam đã được gửi đến Camargue để tìm cách phục hồi nghề trồng lúa gạo. Vận dụng kinh nghiệm cha ông, họ đã thành công trong việc cải tạo những mảnh ruộng nhiễm mặn từ nhiều thế kỷ, thành một vùng lúa gạo đặc sản nổi tiếng tại Pháp và để lại những hồi ức không thể quên đối với người bản địa. Tuy nhiên, lịch sử nguồn gốc của gạo Camargue cũng như những đóng góp vô giá của người lính thợ Đông Dương đối với sự phát triển nghề trồng lúa gạo ở vùng này chỉ thực sự được làm sáng tỏ và được chính quyền Pháp công nhận sau khi nhà báo Pierre Daum, cho ra đời nhiều bài báo, cùng các cuộc triển lãm, phim ảnh, và đặc biệt là cuốn sách “Immigrés de force: Les travailleurs indochinois en France (1939 - 1952)” (NXB Actes Sud năm 2009), được dịch và in ra tiếng Việt với tiêu đề "Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên".
Những nghiên cứu của Pierre Daum đã góp phần tác động đến thái độ của chính phủ Pháp đối với người lao động Đông Dương. Ngày 10/12/2009, chính quyền thành phố Arles đã trao tặng huy chương cho những người công nhân còn sống, nhằm vinh danh đóng góp của họ vào sự phát triển của nước Pháp sau Thế chiến II, chấm dứt 70 năm bị lịch sử lãng quên của những người nhập cư này.
Ngày 5/10/2014, Đài tưởng niệm những người công nhân lao động Đông Dương đã được khánh thành tại Tòa thị chính làng Salin-de-Giraud, nhờ sự vận động và quyên góp của Hiệp hội Tưởng nhớ công nhân Đông Dương (MOI), nơi tập hợp các hậu duệ và bạn bè của những người này, trong đó đứng đầu là ba anh em họ Trịnh là Richard, Claude và Fabrice, cùng Joël Phạm, Myriam Lê Huu và nhà báo Pierre Daum.