Lãnh đạo, cơ quan chức năng các cấp đang nỗ lực hết sức có thể để khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân. Nỗi đau của những gia đình mất đi người thân chắc chắn sẽ còn dai dẳng. Nhưng mấy chục mạng người vô tội, trong đó có cả trẻ em, liệu đã là bài học đủ lớn để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt những vi phạm trong phòng cháy, chữa cháy cũng như xây dựng các công trình lưu trú ở cơ sở?
Nguy cơ cháy nổ đã từng được cảnh báo
Nửa đêm 12/9, ngọn lửa lớn bất ngờ bùng lên tại một căn chung cư mini nằm sâu trong ngách nhỏ thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Tiếng nổ của những vật dụng và xe máy phát lên bên trong tòa nhà to lớn, tiếng kêu cứu của các nạn nhân đang mắc kẹt không thể thoát ra. Diện tích mặt sàn hơn 200m2 và cao đến 10 tầng nhưng chỉ có 2 lối thoát là mặt tiền và phía sau tòa nhà, trong khi các ô cửa sổ đều bị bịt kín bởi những khung sắt chắc chắn. Xe cứu hỏa được điều đến rất nhanh nhưng không thể tiếp cận hiện trường do lối vào quá nhỏ. Việc nối ống nước từ xa để dập lửa đã mất quá nhiều thời gian trong khi cứu người đang phải tính bằng giây trước sự tấn công của “bà hỏa”.
Người dân trong khu vực đã thức trắng đêm hỗ trợ lực lượng chức năng nhưng cuối cùng vẫn chỉ biết chắp tay cầu nguyện cho những linh hồn của các nạn nhân được đưa ra có thể siêu thoát. Tính đến 18 giờ 40 phút ngày 13/9, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương trong tổng số khoảng 150 nhân khẩu đang sinh sống trong chung cư. Có thể nói, đây là vụ cháy có số người thương vong nhiều nhất trong những năm qua tại Việt Nam.
Căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với ông Nghiêm Quang Minh, là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy, về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự. Điều đáng nói, chung cư minibị cháy đã từng được báo chí phản ánh về nguy cơ cháy nổ từ cách đây 6 năm khi tòa nhà chỉ được phép xây dựng 6 tầng nhưng không hiểu bằng cách nào, căn chung cư vẫn mọc thêm 3,5 tầng nữa. Dư luận càng bức xúc hơn khi phát hiện ra ông chủ Nghiêm Quang Minh vẫn còn đứng tên ít nhất một căn chung cư mini nữa ở địa chỉ khác và cũng vi phạm các quy định về việc cấp phép xây dựng cũng như phòng cháy, chữa cháy.
Có thể, chỉ ít ngày nữa, sau khi tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini, cơ quan chức năng sẽ điểm danh thêm nhiều địa chỉ vi phạm nữa. Bởi, những năm gần đây, có quá nhiều chung cư mini mọc lên trong các ngõ, ngách của Thủ đô Hà Nội, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không chỉ ông Nghiêm Quang Minh mà rất nhiều chủ cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội coi việc xây dựng chung cư mini là một cách đầu tư sinh nhiều lợi nhuận. Họ tìm mọi cách tiết kiệm chi phí để đạt được lợi ích trước mắt mà không hề lường trước một ngày, hậu họa lớn có thể sẽ xảy ra.
Điều mà toàn dân lo sợ đã xảy ra. Hỏa hoạn cướp đi 56 sinh mạng là điều không thể chấp nhận, vượt xa sức tưởng tượng và chịu đựng của con người. Tuy nhiên, vụ cháy thương tâm này không phải là trường hợp đầu tiên vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy!
Trước đó, đã có nhiều vụ hỏa hoạn cướp đi sinh mạng của con người mà nguyên nhân chung nhất vẫn là sự cẩu thả, vô trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc trang bị đủ phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu. Chúng ta vẫn chưa thể quên vụ cháy quán Karaoke ở Cầu Giấy (Hà Nội) khiến 13 người tử vong do không có đủ trang thiết bị, dụng cụ, kỹ thuật chữa cháy để khống chế được ngọn lửa trước khi lực lượng chức năng có mặt. Hàng loạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ này bị kiểm tra, kết quả hầu hết đều không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật. Hơn 1.500 quán karaoke trên địa bàn Hà Nội buộc phải dừng hoạt động từ cuối năm 2022 đến nay do không đủ điều kiện cho dù đây là một loại hình dịch vụ đem lại nguồn thu rất lớn.
Công khai những nơi, bộ phận, cá nhân cố tình vi phạm
Tới đây, khi kết quả tổng kiểm tra các chung cư mini được công bố, cơ quan chức năng có lẽ khó có thể dùng biện pháp cấm hoạt động như áp dụng với dịch vụ karaoke được vì ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của rất nhiều người. Nhiều ý kiến tâm huyết của người dân Thủ đô cho rằng, cần phải xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để có giải pháp triệt để!
Nhiều câu hỏi được dư luận đặt sau mỗi vụ hỏa hoạn là tại sao chủ đầu tư vi phạm quy định về an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian dài mà không bị xử lý? Liệu các cơ quan có thẩm quyền cấp cơ sở đã buông lỏng quản lý hay việc che giấu sai phạm của chủ công trình quá tinh vi?
Một nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả khôn lường tồn tại rất nhiều năm ở cơ sở được người dân đưa ra chính là những sai phạm nghiêm trọng trong việc xây dựng cũng như cấp phép xây dựng các khu nhà cho thuê, chung cư mini. Hàng nghìn công trình tại Hà Nội mọc lên vượt quá quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng vẫn đang sử dụng nhiều năm, không hề bị xử lý. Chủ đầu tư chỉ vì lợi ích cá nhân mà tìm mọi cách “lách luật” cũng như khai thác tối đa diện tích cho thuê. Họ không quan tâm, thậm chí phớt lờ những kiến nghị của người dân xung quanh khi xây dựng công trình quá mật độ cho phép, vượt chiều cao so với quy định. Những người kinh doanh dịch vụ này chỉ tìm cách "lách luật", làm cách nào để có thể xây nhà mà không bị cơ quan chức năng ngăn cản hay xử phạt.
Sự “dễ dãi” của các cơ quan chức năng cơ sở đã tạo cơ hội sinh ra hàng loạt công trình với những căn hộ siêu nhỏ đầy đủ các chức năng như phòng ngủ, khu bếp, vệ sinh… mà lại thiếu lối thoát hiểm. Người dân thuê ở các khu nhà này đa phần là công chức, viên chức, lao động phổ thông nên gia đình nào cũng hàn khung sắt kín mít khu vực ban công để chống trộm cắp, tận dụng phơi quần áo, thậm chí trồng kín cây xanh. Chính những “chuồng cọp” tự chế này đã trở thành cánh cửa kiên cố khiến nạn nhân không có lối thoát khi xảy ra tai nạn.
Hai ngày trôi qua sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng, người dân Hà Nội đội mưa thắp hương tưởng niệm những nạn nhân xấu số mà trong lòng xót xa, lo lắng… Họ lo vì không biết ngày mai, liệu sẽ có thêm một vụ cháy tương tự xảy ra. Nhiều người hỏi rằng: Giá như lực lượng chức năng sát sao hơn trong việc xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy thì liệu ngọn lửa có thể bùng lớn, giam hãm hàng trăm người? Giá như việc cấp phép xây dựng được thực hiện nghiêm, khống chế chiều cao theo đúng quy định thì có dẫn đến cái chết của người đàn ông ôm con liều mình nhảy xuống?
Dư luận đặt câu hỏi, việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở liệu có phải là biểu hiện rõ rệt của tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” mà trong các cuộc họp cấp Trung ương đã nhiều lần nhấn mạnh và coi đó mà là một căn bệnh lâu ngày cần phải có thuốc đặc trị?
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quyết tâm "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân". Thế nhưng, ở đâu đó bên dưới cơ sở vẫn cố tình phớt lờ, hành động ngược lại chủ trương trên. Những cán bộ thực thi nhiệm vụ có nhìn thấy các tòa nhà xây dựng trái phép mọc lên trên phố, đang tiềm ẩn đầy nguy cơ gây ra tai họa cho người dân bất kỳ lúc nào? Hay vì một lý do, lợi ích nào khác khiến họ cố tình làm ngơ, "mắt nhắm, mắt mở"?
Sau vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, có những cán bộ, cá nhân sẽ phải giải trình và đối mặt trước pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng buông lỏng quản lý trong công tác xây dựng nhà ở tại cơ sở, cần phải thẳng thắn chỉ rõ, đích danh và công khai những nơi, bộ phận, cá nhân cố tình vi phạm. Từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vì nhân dân phục vụ, tuyệt đối không vì lợi ích của con người cá nhân bé mọn mà gây ra những hậu họa lớn cho xã hội.