Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nhất là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao thương hiệu hoa đào xứ Lạng.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cũng lưu ý cần điều chỉnh và định hướng quy mô, chủng loại, diện tích vùng trồng Đào cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các bên liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ về bảo tồn, phát huy giá trị hoa đào; tiếp tục phát triển thương hiệu hoa đào xứ Lạng; nghiên cứu, đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với Lễ hội hoa Đào xứ Lạng, trong đó quan tâm huy động xã hội hóa; nghiên cứu sản phẩm lưu niệm, quà tặng từ cây đào.
Tổng diện tích trồng đào hiện nay của tỉnh Lạng Sơn ước đạt trên 560 ha (gấp 5,7 lần so với diện tích năm 2017 khi khảo sát xây dựng Đề án). Diện tích và số lượng cây đào tăng nhiều nhất tại các huyện Chi Lăng (tăng 107,7 ha), huyện Bắc Sơn (tăng 134 ha), thành phố Lạng Sơn (tăng 60,8 ha), Hữu Lũng (tăng 45 ha) và các huyện Cao Lộc, Văn Quan...
Việc tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ vào việc bảo tồn, trồng và chăm sóc cây đào, hoa đào đã được chú trọng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của cơ quan chuyên môn, các hợp tác xã, nhà vườn và người nông dân; đã có nhiều đề tài, đề án, nhiệm vụ được triển khai và nghiệm thu.
Từ năm 2018, Lễ hội hoa Đào xứ Lạng được tổ chức định kỳ hằng năm đã trở thành trở thành điểm nhấn tiêu biểu, một hoạt động văn hóa quan trọng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Lễ hội được tổ chức với nội dung, quy mô phù hợp; có sự đổi mới tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội năm sau so với năm trước, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, sự ủng hộ các tầng lớp nhân dân, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Qua triển khai Dự án cho thấy việc bảo tồn và phát huy giá trị cây đào đã góp phần gắn kết chặt chẽ, tạo sự đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa du lịch trong tỉnh. Việc xác lập nhãn hiệu tập thể hoa đào Lạng Sơn cũng đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn, phát triển cây đào xứ Lạng, thúc đẩy thu hút xã hội hóa nâng cao hiệu quả, giá trị của cây đào.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên nhấn mạnh, tỉnh mới chỉ xây dựng được vùng trồng đào tập trung, chứ chưa nâng tầm trở thành sản phẩm hàng hóa. Tiến tới, Lạng Sơn phải xây dựng thương hiệu hoa đào xứ Lạng đủ mạnh để vươn xa, tăng thu nhập cho người trồng đào để phát triển kinh tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện Đề án như: Giải pháp phát triển, nhân rộng mô hình vườn đào thương phẩm; phối hợp xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với cây, hoa đào…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Vũ Văn Thịnh khẳng định, Lạng Sơn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho sinh trưởng, phát triển cây đào. Tỉnh đang có nhiều giống đào bản địa đẹp và quý như: đào bích, đào phai, đào bạch, đào Mẫu Sơn, đào chuông…
Xác định cây hoa đào là cây trồng có giá trị văn hóa, du lịch và kinh tế gắn với đời sống người dân xứ Lạng, ngày 31/10/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 2167/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển giá trị cây đào và tổ chức Lễ hội hoa Đào xứ Lạng.
Từ đó đến nay, cứ mỗi độ Xuân về, Lễ hội hoa Đào xứ Lạng được tổ chức cùng với các hoạt động như Hội thi cây đào đẹp, vườn đào đẹp, đường hoa Xuân Xứ Lạng, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ..., qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát triển các giống đào quý của Xứ Lạng.
Chị Hoàng Thị Diệu, đại diện Hợp tác xã Hoa Đào Bản Cao, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Hợp tác xã được thành lập tháng 9/2018 gồm 15 thành viên tham gia với diện tích trồng đào là 3,6 ha. Đầu năm 2019, Hợp tác xã mở rộng quy mô thêm 12 ha, năm 2020 trồng được 21 ha, năm 2022 trồng được 22 ha. Cây đào có giá trị kinh tế lớn, các hộ trồng đào trong hợp tác xã có thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi vụ đào Tết.
Nhận thức đây là cây thế mạnh để phát triển kinh tế hộ gia đình, nhóm hộ trồng đào được hình thành để trao đổi thông tin và giới thiệu khách hàng khi cần. Các thành viên được cập nhật về cách chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán … thông qua lớp tập huấn kỹ thuật. Được hỗ trợ vật tư chăm sóc 2 năm đầu đã tạo hứng khởi cho thành viên tham gia hợp tác xã và vận động các thành viên khác tham gia, liên kết bán sản phẩm đồng thời mở rộng diện tích trồng đào tạo thành vùng tập trung.
Tại hội nghị, 10 tập thể được trao Bằng khen của UBND tỉnh Lạng Sơn; 6 tập thể, 8 cá nhân được nhận giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án bảo tồn, phát triển giá trị cây đào và tổ chức Lễ hội hoa Đào xứ Lạng.