Chủ trì hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. “Có thể khẳng định trên đã nóng và dưới cũng đang nóng”, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh và chỉ rõ, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo phát hiện, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của địa phương.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cụ thể hóa, thể chế hóa tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều đổi mới; phổ biến cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các quy định mới của Đảng về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Biểu dương những kết quả đạt được, đồng chí Phan Đình Trạc cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên là vẫn còn Ban Chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc chưa đảm bảo yêu cầu. Hiện nay còn 183 vụ án, vụ việc cấp độ 3 và các kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương chưa được chỉ đạo xử lý dứt điểm, trong đó có vụ việc từ năm 2015.
Công tác giám định, định giá tài sản ở một số vụ án vẫn còn chậm, gây ảnh hưởng tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Theo báo cáo, còn 63 vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản; giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn, trong đó có nhiều địa phương có tỷ lệ thu hồi dưới 10%.
Lưu ý nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, các Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Nhất là đối với các dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC. Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hiện còn Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai chưa hoàn thành kiểm tra nội dung này. "Rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án, gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các công ty có liên quan thực hiện tại địa phương mình" - đồng chí Phan Đình Trạc lưu ý.
Cũng theo đồng chí Phan Đình Trạc, thời gian tới cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương giao và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo phối hợp xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm…, các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần phục vụ công tác nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp sắp tới. Bên cạnh đó, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương kết luận giám định, định giá tài sản, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Thông tin tại hội nghị cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, tạo bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Theo đó, các Ban chỉ đạo trực tiếp tiến hành 123 cuộc kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các địa phương đã xử lý kỷ luật 66 trường hợp người đứng đầu, trong đó có 24 trường hợp bị xử lý hình sự; kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với 172 trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
Cũng thời gian này, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 107 vụ án, vụ việc và diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đã khởi tố mới 444 vụ án với 1.242 bị can về tội tham nhũng, tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều có khởi tố mới, trong đó nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn. Tính từ khi thành lập đến nay, chỉ trong vòng 2 năm, các địa phương đã khởi tố mới hơn 1.440 vụ án với 3.950 bị can về tội tham nhũng, tăng gần 200 vụ án và tăng hơn 1.150 bị can so với số vụ án tham nhũng, bị can khởi tố mới của cả nước trong nhiệm kỳ XII.
Công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực khi các cơ quan chức năng của địa phương đã ban hành gần 800 kết luận giám định, định giá tài sản theo yêu cầu, trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương. Nhiều địa phương thu hồi tài sản đạt tỷ lệ cao như: Hà Giang, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh. Một số địa phương có vụ án thu hồi đạt tỷ lệ 100% như: Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An…