Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ đã diễn ra gay cấn đến phút chót với những màn rượt đuổi của ứng cử viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại các bang then chốt. Khai thác lợi thế ở vị trí đối lập, đảng Cộng hòa đã không mấy khó khăn khi vừa “bảo toàn”quyền kiểm soát Hạ viện, vừa giành quyền kiểm soát Thượng viện từ đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Barack Obama. Thế trận chính trường Mỹ từ nay sẽ được xẻ đôi quyền lực với Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, còn Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng.
Thất bại báo trước của Dân chủNgười dân Mỹ đã chính thức thể hiện tiếng nói và mong ước của mình thông qua những lá phiếu được bỏ trên khắp nước Mỹ trong ngày 4/11. Theo kết quả thống kê chính thức, đảng Cộng hòa không chỉ củng cố thế đa số tại Hạ viện, mà còn đảo ngược thế trận quyền lực tại Thượng viện để hiện thực hóa giấc mơ độc chiếm Quốc hội lưỡng viện Mỹ.
Cử tri Mỹ đăng ký trước khi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Manhattan, New York ngày 4/11. Ảnh: Lê Dương |
Cụ thể, tại Hạ viện, đảng Cộng hòa giành thêm được 10 ghế, nâng tổng số ghế mà đảng này có được lên 243 trên 435 ghế. Tại Thượng viện, Cộng hòa giành thêm được 7 ghế, chiếm 52 trên tổng số 100 ghế. Đây là lần đầu tiên trong 64 năm qua, đảng Dân chủ phải hứng chịu thất bại tại hai kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ liên tiếp.
Theo tờ Washington Post, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ 2014 là một trong những cuộc bầu cử tốn kém nhất lịch sử chính trị Mỹ, với tổng chi phi lên tới 423 triệu USD. |
Kết quả này là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ cầm quyền, nhưng cũng không quá gây bất ngờ vì hoàn toàn trùng hầu hết các cuộc thăm dò trước đó. Kết quả này cũng phản ánh đúng sự thất vọng nặng nề của cử tri Mỹ trước những thành tựu nghèo nàn của Tổng thống Obama trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, “đóng góp” một phần lớn vào thất bại nặng nề của đảng Dân chủ lần này không thể không kể đến sách lược “dương Đông, kích Tây” của phe Cộng hòa. Trong suốt thời kỳ vận động bầu cử, đảng này đã liên tục tổ chức các chiến dịch mô tả hình ảnh nước Mỹ cực kỳ u ám và rằng Tổng thống Obama cùng Dân chủ không thể bảo vệ người dân. Cộng hòa cũng lợi dụng danh sách các cuộc khủng hoảng quốc tế dài dằng dặc (từ cuộc xung đột ở Ukraine, tiến trình hòa đàm Trung Đông, hồ sơ hạt nhân Iran, quan hệ căng thẳng với Nga, sự xuống cấp quan hệ với Trung Quốc đến cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola và IS) để trút lên đầu ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng.
Vì thế, ngay từ trước khi bỏ phiếu, không ít cử tri và nghị sĩ hai đảng đều đã nhìn thấy trước thất bại của đảng cầm quyền. Họ cũng nhìn rõ nước Mỹ trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sẽ có sự phân chia quyền lực rõ ràng trên chính trường với Cộng hòa nắm Quốc hội và Dân chủ nắm Nhà Trắng.
Nửa cuối không êm ả của Tổng thống ObamaTheo nhận định của giới phân tích, sau khi nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, đảng Cộng hòa sẽ dùng lợi thế này để chặn các chính sách của Tổng thống Obama, gây khó dễ cho những quyết định đề cử nhân sự mới của ông và theo đuổi các kế hoạch tăng cường vị thế của mình nhằm dọn đường cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Vì thế, hai năm tới đây của vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ được dự báo sẽ đầy khó khăn và thách thức khi phạm vi hoạt động của chính phủ gần như sẽ bị gói gọn trong quyền lực hạn chế của Nhà Trắng.
Nhận định về chuỗi ngày khó khăn trước mắt của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ, ông Jack Ablin - người đứng đầu bộ phận đầu tư thuộc Ngân hàng tư nhân Montreal - nói: “Tôi cho rằng điều này (việc đảng Cộng hòa kiểm soát hai viện Quốc hội) chỉ càng khiến căng thẳng vốn đang tồn tại giữa hai đảng thêm trầm trọng”. |
Tuy nhiên, với các quyền hạn đặc biệt của Tổng thống, ông Obama vẫn có thể phớt lờ Quốc hội và sử dụng các lệnh hành pháp cũng như quy định liên bang để theo đuổi các mục tiêu như hạn chế khí thải nhà kính, dự luật nhập cư, đóng cửa nhà tù Guantanamo… Vấn đề duy nhất mà ông và đảng Dân chủ cần bận tâm là sẽ không có một bộ luật quan trọng nào được thông qua từ nay cho đến sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Chắc chắn, các bộ luật này sẽ bị ách lại tại “cửa ải” Quốc hội đang nằm dưới quyền “điều binh, khiển tướng” của Cộng hòa.
Nhưng nói thế không có nghĩa chỉ đảng Dân chủ và Tổng thống Obama gặp khó. Sau khi nắm giữ cả hai viện Quốc hội, các ông nghị của đảng Cộng hòa không chỉ thể ngồi ngăn cản hay “quát tháo”. Người dân Mỹ sẽ sớm đổ dồn trách cứ sang đảng này nếu tình hình nước Mỹ không được cải thiện và khi đó, Cộng hòa sẽ có nguy cơ hứng chịu thất bại trong cuộc bầu cử cực kỳ quan trọng vào năm 2016, nếu như không có được một chương trình nghị sự khả quan trong hai năm tới.
Nhìn rõ những khó khăn này, Thượng nghị sĩ Bob Corker - một thành viên của đảng Cộng hòa đến từ bang Tennessee – nhận định rằng rồi đây hai chính đảng độc chiếm chính trường Mỹ sẽ phải hành động một cách có trách nhiệm hơn. “Con Lừa” (biểu tượng của đảng Dân chủ) và “Con Voi” (biểu tượng của đảng Cộng hòa) sẽ phải gạt qua những bất đồng để có thể đi đến những thỏa thuận cần thiết, chí ít trong các lĩnh vực năng lượng, thuế, an ninh mạng và các thỏa thuận thương mại,...
Hạ nghị sĩ Charlie Dent của đảng Cộng hòa cũng có chung quan điểm này khi nói: “Sẽ tiếp tục có những cuộc chiến giữa hai đảng, nhưng họ có thể hợp tác để giải quyết một số vấn đề”.
Theo kế hoạch, chỉ còn 2 năm nữa nước Mỹ sẽ lại bước vào một kỳ bầu cử kép Quốc hội - Tổng thống đầy gay cấn. Nhưng những người nắm quyền quyết định bên thắng cử, Dân chủ hay Cộng hòa, là cử tri Mỹ chứ không phải là “những cái đầu nóng trên nghị trường”. Người dân Mỹ đã quá chán ngán với các cảnh đấu đá đảng phái dẫn tới bế tắc suốt 2 năm qua, khiến nước Mỹ hầu như chỉ được điều hành bởi sự kết hợp giữa các sắc lệnh và những thỏa hiệp miễn cưỡng. Vì thế, sự quay lưng của cử tri Mỹ đối với Tổng thống Obama và đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu lần này có ý nghĩa rất lớn trong việc cảnh tỉnh và răn đe các thành viên đảng Cộng hòa nếu như họ không hoàn thành tốt nghĩa vụ của những người làm luật tại hai viện Quốc hội Mỹ.
Vũ Hà