Trong các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Cờ Tu, cây đàn abel là loại nhạc cụ gần giống cây đàn cò của người Kinh và gắn với nghệ thuật hát không há miệng của đồng bào Cơ Tu. Tiếng đàn hòa trong tiếng hát của đồng bào thay cho lời tỏ tình của đôi trai gái bên bờ suối hay trên nhà moong.
Chiều dài toàn bộ cây đàn abel khoảng 50 cm, được chia làm hai phần chính: đế và thân. Trong đó, đế đàn làm bằng một mảnh gỗ mỏng gần 1 cm, dài trên 10 cm, có chạm trổ hoa văn họa tiết rất đẹp. Khi chơi đàn có thể dùng hai ngón chân cái và trỏ kẹp vào phần dưới của đế đàn nhằm định vị cho cây đàn. Thân đàn gồm một ống nứa nhỏ, đường kính gần 30 cm, đầu dưới được gắn vào đế đàn, phần trên để trống và cũng là nơi chứa cần đàn (cần kéo) khi không sử dụng. Gần đầu đàn có một cái chốt bằng tre xuyên qua thân đàn để lên dây đàn. Dưới chốt, trên thân ống có gắn 3 cái núm nhỏ làm bằng chai chò (nhựa cây chò), gọi là vú đàn và gắn theo chiều dọc của ống, có khoảng cách 1 cm giữa các vú. Ngoài ra, có một sợi chỉ (dài hơn thân đàn một chút), nối từ nơi tiếp giáp giữa đế đàn và thân đàn, đến cuối sợi chỉ thì xuyên qua một mảnh vải con trút, cắt theo hình tròn.
Già làng Đinh Văn Bớt và vợ là Alăng Thịu Nhá đang chơi đàn abel để ôn lại mối tình thời trai trẻ. |
Già làng Alăng Avel dùng cây cần bằng tre kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời các ngón tay của bàn tay trái bấm dây đàn đồng thời dùng hai hàm răng cắn miếng vỏ trút và giữ cho sợi chỉ nằm trong tình trạng căng ra (không bị trùng) đồng thời hát (trong khi hai hàm răng vẫn cố định, không há miệng). Âm thanh lúc bấy giờ nghe nỉ non, hòa quyện lời ca lồng trong tiếng nhạc, đượm màu hoang dã, lôi cuốn người nghe.
Già làng Alăng Avel cùng chơi đàn abel với những người bạn gái cùng trang lứa. |
Già làng Alăng Avel (85 tuổi), ở thôn Tà Làng xã Bhalêê (Tây Giang - Quảng Nam) cho biết: "Đây là cây đàn để tâm sự về tình yêu, nỗi nhớ mà trai làng thổ lộ tình yêu với bạn gái của mình khi không thể ngỏ bằng lời nói. Trước đây, thông qua cây đàn này, đa số trai, gái Cơ Tu nên duyên chồng vợ". Lúc bấy giờ, trong quan hệ trai gái không được "cởi mở" và gần gũi như bây giờ mà bị quản lý khá chặt. Buối tối thiếu nữ Cơ Tu phải ngủ ở nhà, còn trai làng chưa vợ thường tập trung ngủ ở giữa làng, trên nhà Moong (nhà chòi cao) dựng bởi bốn cây cột bằng kiền kiền lớn chứ không được tự do gần gũi nhau. Trường hợp có hai người "để ý" nhau, họ hẹn hò lên chòi hoặc những đêm trăng rừng sáng như gương, cùng nhau hẹn hò ra ngồi trên những tảng đá lớn dọc theo khe suối để chơi đàn, thổ lộ tình cảm của mình mà không cần phải nói thành lời. Lúc ấy, tha hồ mà “hát không hả miệng”.
Khi chơi đàn abel, đồng bào Cơ Tu dùng hai hàm răng cắn miếng vỏ trút và giữ cho sợi chỉ căng đồng thời hát trong khi hai hàm răng vẫn cố định, miệng không mở. Đó là một lối đàn, hát hòa quyện rất độc đáo mà ít bộ tộc nào có được. |
Một trong những nét độc đáo trong cách chơi đàn abel là có thể chơi hai người, trai kéo đàn và luyến láy âm thanh, gái thì ngậm miếng vảy trút vào răng và hát, môi có thể mở để âm thanh từ miệng thoát ra, nhưng răng phải cắn chặt miếng vảy trút. Vì sợi chỉ ngắn, nên khoảng cách giữa người nam và người nữ gần hơn, họ có cơ hội để gần gũi nên thêm phần quyến luyến. Trong khi hát, hai tâm hồn hòa quyện vào nhau, lâng lâng, bồng bềnh trong lời ca tiếng nhạc, nên người Cơ Tu rất thích. Tuy nhiên, trong quan hệ nam nữ, người Cơ Tu rất trong sáng, hiếm có người vi phạm vào những quy định về thuần phong mỹ tục của đồng bào.
Già làng Alăng Avel bộc bạch: “hiện nay, rất hiếm người biết chơi đàn abel. Trai gái bây giờ đến với nhau, không thông qua cây đàn này nữa. Chúng chỉ bắt chước những cảnh trong phim thôi. Những người già chúng tôi lần lượt ra đi, còn lớp trẻ bây giờ không chịu học cách sử dụng đàn, nên nghệ thuật đàn abel có nguy cơ thất truyền. Thật là đáng tiếc”. Tôi như đọc được tâm sự của già làng Alăng Avel qua đôi mắt mơ màng hướng về rặng Trường Sơn hoang dã điệp trùng trong màu lam sương khói, ông như tuồng tiếc nuối một thời trai trẻ đã đi qua.
Bài và ảnh:Tiên Sa