Một bộ phận cán bộ ở chính quyền cơ sở yếu kém, thiếu trách nhiệm đã dẫn tới tình trạng thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc người dân tự phát xử lý những vi phạm mà bất chấp pháp luật. Đây là vấn đề đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong phiên họp thứ 21 (ngày 18/9) khi thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác tư pháp năm 2013.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, thời gian gần đây, đã xảy ra hàng loạt vụ việc, hành vi bất chấp pháp luật, tấn công, xâm hại đến sự an toàn sức khỏe cũng như tính mạng của người khác, đặc biệt là những vụ tấn công người đang thi hành công vụ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số người dân hành xử vô lối, vi phạm pháp luật. Đó có thể xuất phát từ tâm lý bức xúc trước những thiệt hại vật chất và phi vật chất, những tổn thất về tinh thần không thể bù đắp. Cũng có thể xuất phát từ những hành vi chưa chuyên nghiệp, vi phạm quy trình, thủ tục trong khi thi hành công vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hách dịch, cửa quyền, tác phong ứng xử không đúng mực của những người thi hành công vụ. Đặc biệt, một số quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở, bất cập, khiến người dân mất niềm tin nên đã tự hành xử theo “luật” của riêng mình. Rõ nhất là vụ người dân “tự xử” đối tượng trộm chó. Pháp luật quy định người nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người dân bắt kẻ trộm chó giao cho công an, nhưng sau đó đối tượng đã được thả vì giá trị tài sản không đủ để cấu thành tội phạm. Sau khi được thả, đối tượng lại tiếp tục hành nghề và còn sử dụng hung khí tấn công người dân, nên khi bắt được kẻ trộm, người dân đã “tự xử”.
Một nguyên nhân khác khiến người dân hành xử bạo lực xuất phát từ sự thiếu niềm tin vào cán bộ thực thi nhiệm vụ. Những vụ hành hung y, bác sĩ, cảnh sát giao thông... xảy ra trong thời gian gần đây, xuất phát từ việc một số y, bác sĩ yếu kém về chuyên môn, hành xử thiếu trách nhiệm; một bộ phận lực lượng cảnh sát giao thông có hành vi tiêu cực hay việc nghiêm trị tội phạm tham nhũng còn dễ dãi... Những vụ việc vừa nêu, có nguyên nhân từ sự quan liêu, hách dịch của một số “công bộc”, khiến người dân phẫn uất mà hành xử theo bản năng, coi thường các quy định của pháp luật. Cách phản ứng như vậy rõ ràng là rất nguy hiểm. Để giải quyết tận gốc tình trạng này, trước hết, đối với những “công bộc” có hành vi sai trái phải được xử lý nghiêm để người dân tâm phục khẩu phục.
Từ vụ Tiên Lãng, tới vụ nhân bản xét nghiệm ở Hoài Đức, vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa... , chỉ khi lãnh đạo Chính phủ lên tiếng, yêu cầu xử lý nghiêm, báo cáo trong thời hạn cụ thể thì việc mới “chạy”. Hay những vụ án hình sự nghiêm trọng, phải khi cơ quan công an vào cuộc thì người dân mới hy vọng sự việc được xử lý rốt ráo. Còn nếu cứ để địa phương xử lý, người dân lại canh cánh nỗi lo vụ việc bị... “chìm xuồng”. Đâu đấy, “công bộc”, chính quyền ở địa phương này, địa phương kia vẫn còn thái độ vô cảm và vô trách nhiệm trước cái ác, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Nếu không chấn chỉnh ngay tình trạng này là có tội với dân.
Yến Nhi