Tháng Tám mùa thu, trời Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) trong xanh bát ngát, chúng tôi về thăm suối Lê Nin, núi Các Mác và con đường mang tên Hồ Chí Minh rộng rãi, trải thảm nhựa phẳng lỳ dẫn vào tận Khu di tích.
Một góc xã Trường Hà đổi mới hôm nay. |
Chúng tôi đến thăm cụ Hoàng Thị Khìn, ở xóm Bó Bẩm, xã Trường Hà - người đã vinh dự được đưa cơm, bảo vệ Bác Hồ trong những ngày đầu cách mạng. Cụ Khìn nay đã 90 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày Bác về Pác Bó. Cụ kể cho chúng tôi nghe chuyện về Pác Bó ngày xưa. Ngày đó, bản làng xác xơ, người dân ăn không đủ no, áo không đủ ấm, quanh năm bị giặc Tây, cường hào áp bức, bóc lột, làm quần quật mà không đủ tiền nộp sưu thuế... Có những gia đình thiếu đói, ngày giáp hạt phải vào rừng để đào củ mài ăn trừ bữa. Có người vào rừng đào củ mài, đào chưa xong thì đã đói lả kiệt sức chết gục bên hố...
Giữa lúc đó, làng Bó Bẩm xuất hiện một người khách lạ. Dáng ông cao, gầy, gương mặt rất cương nghị mà phúc hậu. Không ai biết người khách tên gì, chỉ thấy người ta gọi là Ông Ké, có người lại gọi là Già Thu. "Ông Ké", dịch nghĩa tiếng Tày nghĩa là "Ông Già", thường được gọi theo nghĩa thân mật trìu mến. Ông Ké về, bản làng bừng lên một sức sống mới. Ông đi đến đâu, ở đó có niềm vui, tiếng cười. Ông quan tâm đến tất cả mọi người, tắm cho trẻ nhỏ, giúp đỡ người già, dạy thanh niên biết chữ, dạy cách trồng rau, tăng gia sản xuất. Cái gì ông cũng biết làm, cái gì ông cũng giỏi khiến mọi người ai cũng quý mến nể phục... Người già bảo, ông ấy về đây để giúp dân mình đánh đuổi giặc Tây và giao cho tôi nhiệm vụ đưa cơm, bảo vệ Ông Ké. Hồi đó, tôi còn nhỏ, chưa đủ lớn khôn để biết đó là “cán bộ thượng cấp”, nhưng qua những lần vào đưa cơm cho Ông Ké, được ông dạy nhiều điều hay, tôi và nhiều người đã cam kết với nhau là dù có chết cũng phải bảo vệ Ông Ké đến cùng. Mãi về sau này, chúng tôi mới biết Ông Ké chính là Bác Hồ”, cụ Khìn kể.
Ngày nay, nhờ ơn Đảng, Bác, đất nước độc lập tự do, nhân dân Pác Bó lại cùng cả nước đi lên xây dựng đời sống mới. Ông Nông Trung Trực, Bí thư Đảng ủy xã Trường Hà phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, Trường Hà được quan tâm đầu tư, hỗ trợ tạo động lực cho xã đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 9/9 xóm có đường ô tô, 7/9 xóm có điện lưới quốc gia, 2 xóm còn lại sẽ có điện trong nay mai, nhiều dự án, mô hình kinh tế được triển khai... nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Nhân dân huyện Hà Quảng đã phát huy nội lực để xây dựng quê hương cội nguồn cách mạng ngày càng phát triển. |
Mới đây, Trường Hà vừa được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thực hiện chương trình, xã đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ 28 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đầu tư hơn 10 tỷ đồng bê tông hóa đường làng ngõ xóm, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng công trình nước sinh hoạt; hơn 5,5 tỷ đồng xóa nhà dột nát cho người nghèo, xây nhà kiên cố cho các lão thành cách mạng; 5 tỷ đồng xây dựng trường mầm non, hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ giống cây, con cho hộ nghèo; 3 tỷ đồng làm quỹ khuyến học...
Để phát triển kinh tế gia đình cho người dân, xã đã mời các chuyên gia kinh tế đến Trường Hà nghiên cứu, tìm ra hướng phát triển kinh tế thích hợp. Các chuyên gia xác định, địa phương cần tập trung phát triển du lịch, mở rộng các dịch vụ, nhà hàng phục vụ du khách. Theo đó, với sản xuất nông nghiệp, xã tập trung sản xuất các mặt hàng cung ứng cho chuỗi nhà hàng; trong đó tập trung phát triển chăn nuôi bò, chim bồ câu Pháp, ngan Pháp, gà vịt siêu trứng, chim trĩ; các loại quả như thanh long ruột đỏ, đại táo, na dai, mít, bơ, ổi Đài Loan...
Kế bên Trường Hà, "Xã đỏ anh hùng" Nà Sác cũng có nhiều đổi thay. Các xóm đều có đường ô tô; xóm Hòa Mục 1, Hòa Mục 2 đã có đường nội đồng tạo thuận lợi cho sản xuất; xã đã cơ bản xóa xong nhà dột nát. Đi qua Lục Khu - vùng khó khăn nhất của Hà Quảng, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay kỳ diệu trên quê hương cội nguồn cách mạng. Theo tỉnh lộ 210, qua các xã Kéo Yên, Lũng Nặm, Thượng Thôn, Tổng Cọt... đâu đâu cũng gặp những công trình cơ sở hạ tầng, trường học, hồ chứa nước... mới được đầu tư xây dựng. Nhiều tuyến đường được mở mới, cải tạo, nâng cấp nối liền các xã vùng cao của Hà Quảng với các vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao lưu trao đổi hàng hóa.
Giai đoạn từ năm 2005 đến nay, Hà Quảng đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 16,7%/năm; hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, giáo dục tiểu học; 72% dân số được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 89,6% dân số được dùng điện; 19/19 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm cơ bản được nhựa hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,28%.
Cùng với đó, Đảng bộ tiếp tục quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân phát huy nội lực xây dựng quê hương cội nguồn cách mạng ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Quốc Đạt