Tổng thống Palextin Mahmud Abbas, lãnh đạo phong trào Fatah tại khu Bờ Tây, và lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza Khaled Meshaal ngày 10/1 đã gặp nhau tại thủ đô Cairô (Ai Cập) để bàn về thỏa thuận hòa giải đang ở thế bế tắc. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong gần một năm trở lại đây giữa hai bên trong nỗ lực nhằm chấm dứt nhiều năm đối địch gay gắt giữa hai phong trào.
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi (phải) và Tổng thống Palextin Mahmud Abbas (trái) tại Cairô ngày 9/1/2013. |
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thực thi thỏa thuận hòa giải ký tháng 5/2011 dưới sự trung gian hòa giải của Ai Cập. Hãng tin AFP dẫn lời ông Izzat al-Rishq, thành viên ban lãnh đạo Hamas tham gia hội đàm, cho biết cuộc gặp diễn ra trong "bầu không khí tích cực và đầy triển vọng". Theo ông Rishq, các nhà lãnh đạo Fatah và Hamas sẽ sớm gặp lại nhau để thảo luận các biện pháp thúc đẩy tiến trình hòa giải, tuy nhiên không cho biết thời gian cụ thể cũng như các nội dung chi tiết. Trong khi đó, một quan chức nước chủ nhà cho biết có thể hai bên sẽ nối lại cuộc gặp vào tuần đầu tháng 2/2013.
Cuộc gặp trên được tiến hành trong bối cảnh Hamas và Fatah gần đây đã có nhiều động thái xích lại gần nhau, đặc biệt sau vụ tấn công của Ixraen vào Dải Gaza hồi tháng 11/2012 và việc Palextin được Đại hội đồng Liên hợp quốc nâng cấp quy chế từ "thực thể quan sát viên" lên thành "nhà nước quan sát viên".
Hamas và Fatah đã đối đầu nhau kể từ khi Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza vào tháng 6/2007, một năm sau khi phong trào này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp Palextin. Dưới sự trung gian của Ai Cập, vào tháng 5/2011, hai phong trào này đã đạt được một thỏa thuận đoàn kết với việc nhất trí thành lập chính quyền kỹ trị chuyển tiếp và tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5/2012. Tuy nhiên từ đó đến nay, phần lớn các điều khoản trong thảo luận vẫn chưa được thực hiện, dù hai nhà lãnh đạo đã gặp lại nhau tại Cairô hồi tháng 2/2012.
TTG - L.H