Ông Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Viện quốc tế Vivekananda (VIF) của Ấn Độ vừa có bài phân tích phát trên mạng tin Merinews.com ngày 4/6, chỉ trích việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Vinod Anand cho rằng hành động trên của Trung Quốc nhằm thể hiện “tầm với và sức mạnh quân sự” của họ trong khu vực, với ý định ép buộc Việt Nam từ bỏ hoặc ít nhất giảm tuyên bố chủ quyền đối với khu vực giàu dầu khí nằm trong phạm vi quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Trung Quốc từ lâu đưa ra những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” vốn không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử, do đó không có nguyên tắc hoặc luật lệ quốc tế nào chấp nhận. Các vùng biển và lãnh thổ quan trọng tại các quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Scarborough Shoal, Trung Quốc cũng đòi chủ quyền dựa trên “đường chín đoạn”, vốn bị Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia bác bỏ.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam ngày 1/6. Ảnh: Sơn Bách/TTXVN |
Rõ ràng Trung Quốc đã áp dụng các chiến lược lâu dài dọc cả biên giới trên bộ và trên biển để chiếm các vùng đất và vùng biển mà họ tự cho là của mình. Trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng chiến tranh pháp lý, chiến tranh tâm lý và chiến tranh truyền thông nhằm đạt mục đích và mục tiêu của họ.
Theo ông Vinod Anand, Ấn Độ và cộng đồng quốc tế lo ngại trước ảnh hưởng tai hại do hành động của Trung Quốc gây nên trên biển Đông. Hơn 50% tàu chở dầu đi qua biển Đông; hơn 5,3 nghìn tỷ USD giá trị thương mại được lưu thông qua biển Đông mỗi năm. Do đó, tự do hàng hải trên biển Đông là điều bắt buộc. Ấn Độ kiên quyết ủng hộ các nước ASEAN trong yêu cầu tự do hàng hải qua biển Đông và ủng hộ biện pháp giải quyết bất đồng dựa trên các nguyên tắc quốc tế và UNCLOS.
Minh Lý(P/v TTXVN tại Ấn Độ)