Ngày 17/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và trên 300 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương và các vị đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế đã đến dự Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong 20 năm qua, chính phủ các nước tài trợ, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) đã luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ mạnh mẽ, những nguồn lực to lớn và hỗ trợ kỹ thuật quý báu giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển và đổi mới đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Đức Tám – TTXVN |
Trân trọng đánh giá cao và bày tỏ lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đối với chính phủ các nước tài trợ, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, nguồn vốn ODA trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, nhất là giao thông vận tải, điện năng, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… Thông qua thực hiện các chương trình, dự án, nguồn vốn ODA đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số ngành, như tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các khoản ODA mà Việt Nam đã ký kết trong 20 năm qua, bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm là một nguồn lực tài chính đáng kể, đã được sử dụng có hiệu quả để hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. |
Nhìn lại chặng đường hợp tác đã qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm để Việt Nam và các nhà tài trợ hợp tác tốt hơn trong giai đoạn phát triển mới. Thứ nhất là về vai trò làm chủ quốc gia về chủ trương, chính sách và các mục tiêu phát triển với sự đồng tình và ủng hộ của các đối tác phát triển. Đây là yếu tố thể hiện tinh thần tự chủ, phát huy mạnh mẽ nội lực của chính mình và là một yếu tố quan trọng để hình thành mối quan hệ đối tác hợp tác phát triển hiệu quả. Tiếp đến là về đảm bảo nguồn lực đối ứng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, tiến gần tới các chuẩn mực quốc tế và nâng cao chất lượng đối thoại chính sách phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược về cải cách thể chế, về phát triển hạ tầng cơ sở đồng bộ và về phát triển nguồn nhân lực, đi đôi với chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế.
Để thực hiện Chiến lược này, Chính phủ Việt Nam chủ trương trước hết phát huy tối đa nội lực, mở rộng sự tham gia của các chủ thể công và tư cho phát triển, đồng thời thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện để tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài. Trong đó, nguồn lực ODA luôn giữ vai trò quan trọng để hỗ trợ thực hiện các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược, bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và dự án về phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng chính sách và phát triển thể chế, tăng cường năng lực, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh... “Chính phủ Việt Nam sẽ luôn trân trọng và quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các bạn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Trên nền tảng vững chắc của quan hệ đối tác phát triển đã được xây dựng và thử thách trong 20 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng sự hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nhằm hỗ trợ Việt Nam củng cố vững chắc thành quả phát triển đã đạt được, tiếp tục đưa đất nước Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tích cực đóng góp sức mình để hỗ trợ các quốc gia, đối tác khác trong cộng đồng quốc tế cùng phát triển, cùng thịnh vượng.
Thiện Thuật