Tại sao Mỹ không thể gây ảnh hưởng đến Ai Cập?

Phân tích về ảnh hưởng của Mỹ tại Ai Cập, tạp chí điện tử "Slate.fr" mới đây cho rằng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng triền miên tại Ai Cập, có rất nhiều dư luận đánh giá tình hình theo cách chủ quan, khiến nhiều người nghĩ rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể dễ dàng kiểm soát các sự kiện tại nước này. Tuy nhiên, dường như phần lớn các nhà quan sát đã quên mất một điều then chốt, đó là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu, và cùng với nó là sự kết thúc của “quyền lực vô hạn” của Mỹ. Do vậy, ảnh hưởng của chính quyền Obama đối với các diễn biến tại Ai Cập hiện nay là không nhiều.


Ảnh hưởng của chính quyền Obama đối với các diễn biến tại Ai Cập hiện nay là không nhiều.

Tình hình Ai Cập cho thấy Mỹ không thể liên kết với giới quân sự hoặc Tổ chức Anh em Hồi giáo, và Mỹ cũng không có lựa chọn thay thế nào hợp lý. Cũng sẽ không ổn thỏa nếu Mỹ hậu thuẫn giới trẻ tiếp cận chính quyền, cho dù đó là những người đã đóng vai trò nòng cốt chống lại chế độ Mubarak tại quảng trường Tahrir. Các nhân vật trẻ có khả năng kỹ trị, nói tiếng Anh và chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sẽ khó có thể xoay xở trong vai trò lãnh đạo đất nước. Thực tế, cuộc bầu cử vừa qua đã chứng minh rằng số nòng cốt trẻ tuổi này chỉ nhận được một phần nhỏ sự ủng hộ của dân chúng Ai Cập, và người ta không biết ông Obama sẽ làm thế nào để biến họ thành các nhân vật lãnh đạo có sức lôi cuốn hơn.


Phần lớn giới phân tích khi viết về tình trạng hỗn loạn tại Ai Cập đều thừa nhận, Mỹ không còn duy trì đầy đủ ảnh hưởng từng có trước đây tại Trung Đông. Tuy vậy, dường như họ vẫn tin rằng ảnh hưởng của Mỹ có thể được khôi phục một cách dễ dàng nếu chính quyền Obama nỗ lực hơn hoặc tư duy một cách sáng tạo hơn.


Washington vẫn muốn duy trì một ảnh hưởng nhất định tại Cairo và duy trì một tổng thể quan hệ với chính phủ Ai Cập, cho dù người đứng đầu là ai, năng lực và uy tín như thế nào cũng không mấy quan trọng.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có rất nhiều yếu tố đã tác động lớn đến các chính sách của Trung Đông. Ngay cả khi Mỹ đã trở thành một nhân tố quan trọng trong nền chính trị Ai Cập, thì mối quan hệ với Ai Cập trong nền chính trị Mỹ còn lâu mới trở thành nhân tố quan trọng nhất. Cũng có thể nhận định tương tự nếu xét tình hình ở góc độ kinh tế thuần túy. Chẳng hạn, vài ngày trước khi Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội phế truất, các nhà lãnh đạo của các nền quân chủ vùng Vịnh - gồm Arập Xêút, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất đã nhất trí viện trợ tổng cộng 12 tỷ USD cho Ai Cập, một khoản tiền cao gấp 8 lần viện trợ của Mỹ trong năm 2013.

 

Điều này nói lên rằng nếu Mỹ ngừng viện trợ cho Ai Cập, Ai Cập sẽ bị giáng một đòn mạnh nhưng chắc chắn đó không phải là thảm họa. Thực tế, Mỹ đã không quyết định như vậy và đây là lý do giải thích tại sao chính quyền Obama đã tìm mọi cách tránh gọi việc phế truất ông Morsi là đảo chính, cho dù diễn biến này có đủ mọi biểu hiện của một cuộc đảo chính quân sự (luật pháp Mỹ quy định Mỹ sẽ tự động ngừng viện trợ cho một chính phủ nước ngoài nếu chính phủ đó được hình thành từ một cuộc đảo chính).


TTK

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN