Với việc thông tuyến, người bệnh sẽ có nhiều sự lựa chọn và tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ước tính đến nay thành phố có hơn 70% người dân tham gia BHYT. Khó khăn nhất hiện nay chính là vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, chúng tôi đã mở rộng ký kết khám chữa bệnh BHYT tới các cơ sở y tế tư nhân, các trạm y tế phường xã trên địa bàn thành phố”.
Từ ngày 1/1/2016 người bệnh sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu. |
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 131 trạm y tế, 33 phòng khám đa khoa, 15 bệnh viện tuyến huyện là nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.
Chất lượng khám chữa bệnh không đồng đều giữa các cơ sở khám chữa bệnh, khiến cho người bệnh vượt tuyến, hoặc có thẻ BHYT nhưng không sử dụng, vì theo luật BHYT mới sửa đổi thì khám chữa bệnh trái tuyến sẽ không được chi trả. Trong lúc ngồi chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, bạn Nguyễn Hoài Trang chia sẻ: “Đi khám bệnh ở trên này không được BHYT chi trả nhưng khám bệnh ở bệnh viện huyện thì tôi lại sợ không đảm bảo vì thấy không có nhiều bác sĩ giỏi và máy móc hiện đại như ở bệnh viện thành phố”.
Để đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT và hướng tới BHYT toàn dân, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định, từ 1/1/2016, sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh. Theo đó, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
"Điều đó có nghĩa là việc khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn, không bị giới hạn bởi một cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng quy định. Cụ thể, nếu như trước đây người bệnh có BHYT đi khám chữa bệnh từ các bệnh viện quận, huyện trở xuống không đúng nơi đăng ký BHYT ban đầu thì chỉ được BHYT thanh toán 70%; khi thực hiện thông tuyến, quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh theo mức quyền lợi được hưởng", bà Huyền cho biết.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thông tuyến khám chữa sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT, đảm bảo cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh lý, người bệnh sẽ được chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh. Đồng thời, tăng sự lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Bên cạnh những lợi ích người dân có được trong việc thông tuyến khám chữa bệnh, đa số các bệnh viện cho rằng: Sắp tới khi các bệnh viện phải tự chủ tài chính và hướng tới tính đúng, tính đủ thì bệnh viện phải thu hút được bệnh nhân đến khám. Việc thông tuyến này sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương. Một vài cơ sở y tế chưa muốn xếp hạng, chần chừ trong việc nâng hạng cũng sẽ phải đổi mới, thay đổi đầu tư tăng cường nhiều hơn về chất lượng khám chữa bệnh.
Trưởng một trạm y tế ở quận 8 chia sẻ: Người dân vẫn chưa tin tưởng nhiều vào khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở các trạm y tế, việc thông tuyến này e rằng các trạm y tế sẽ khó hút người dân đến các trạm y tế khám bệnh. Và để hút được bệnh nhân thì đòi hỏi các trạm y tế phải nâng cao năng lực khám chữa bệnh của mình, bằng cách đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc thông tuyến sẽ có sự lạm dụng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh sẽ đi khám chữa bệnh ở nhiều nơi trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, ngành y tế phải tăng cường quản lý chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh được thông tuyến. Cũng theo luật sửa đổi BHYT trên, dự kiến đến đầu năm 2021, BHYT sẽ mở rộng thông tuyến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước.