“Những năm qua nhiều bệnh viện trong cả nước đã bước đầu áp dụng mô hình, phương pháp quản lý chất lượng (QLCL). Thế nhưng, chúng ta chưa có quy định chung hướng dẫn, kiểm tra quy trình các bệnh viện thực hiện QLCL. Do vậy, việc thực hiện và nâng cao chất lượng trong công tác khám chữa bệnh chưa thực sự hiệu quả, rủi ro sai sót vẫn xảy ra. Để các bệnh viện thực hiện việc QLCL thật sự nghiêm túc xuất phát từ mục đích của bệnh viện cũng như phù hợp với những yêu cầu bắt buộc của nhà nước đối với các cơ sở y tế, còn nhiều vấn đề cần phải làm” – Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (CQLKCB) cho biết.
Thực hành QLCL bệnh viện chưa được nhân rộng
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Tiêu chuẩn chất lượng đối với các bệnh viện là yêu cầu về đặc tính kỹ thuật và quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá chất lượng của bệnh viện do tổ chức trong nước hoặc nước ngoài ban hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận. Đây là lĩnh vực Bộ Y tế khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động áp dụng tiêu chuẩn QLCL để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Khi áp dụng các mô hình Tiêu chuẩn như ISO, TQM, JCI… ( Quy định những gì một tổ chức phải làm một cách nhất quán để cung cấp các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và yêu cầu pháp định, chế định được áp dụng) các bệnh viện giảm được các lỗi phổ biến trong y tế như ghi sai hồ sơ bệnh án, sai sót chuyên môn, phàn nàn của bệnh nhân…
Bác sĩ Nguyễn Quý Bạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Thắng chia sẻ: “Khi bệnh viện áp dụng tiêu chuẩn chất lượng JCI vẫn tiếp cận được những quy định chuyên môn của Bộ y tế, vừa thiết lập duy trì hệ thống các quy trình nội bộ để đi đến các quy định chi tiết hơn phù hợp với bệnh viện. Việc áp dụng mô hình Quốc tế có ý nghĩa khi bệnh viện đó có mối quan hệ với các bệnh viện trong khu vực. Thực tế mà nói các bệnh viện trong khu vực biết bệnh viện Cao Thắng được công nhận đạt chất lượng tiêu chuẩn thì họ thay đổi hoàn toàn các mối quan hệ . Vì họ hiểu tham gia JCI có nghĩa bệnh viện đã có sự nỗ lực rất lớn để quản lý chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện. Hơn nữa, đối với bệnh nhân khi tìm hiểu thông tin, họ có nhiều cơ hội lựa chọn những bệnh viện có chất lượng tốt để khám chữa bệnh. Ngoài ra, khi đã đạt được tiêu chuẩn chất lượng, giá viện phí có cao hơn những bệnh viện khác nhưng vẫn được người bệnh chấp nhận vì bệnh nhân biết họ được chăm sóc tốt khi họ khám chữa bệnh tại đây”.
Lợi ích là thế, nhưng theo tổ chức DVN (nhà cung cấp các dịch vụ quản lý rủi ro trên phạm vi toàn quốc) đến nay, cả nước có 21/1026 bệnh viện đạt ISO và một số bệnh viện đang tiến hành áp dụng tiêu chuẩn JCI. Cho thấy, vấn đề nâng cao chất lượng tại các bệnh viện chưa được các bệnh viện quan tâm đúng mức. Hơn nữa, không phải bệnh viện nào cũng áp dụng thành công các mô hình QLCL. Một số bệnh viện khác (nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện) lại không biết bắt đầu thực hành quản lý chất lượng từ đâu? Theo những chỉ số chất lượng nào? Và không đủ tài chính để áp dụng những mô hình Tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Trọng Khoa khẳng định, các cơ sở y tế muốn thực hành QLCL trước hết phải có kế hoạch đề án, con người. Sắp tới, Chính phủ sẽ phát triển hệ thống chất lượng cấp Quốc gia, tỉnh… để các cơ sở y tế (tất cả các tuyến từ Trung ương đến địa phương) không đủ khả năng áp dụng các mô hình nước ngoài, căn cứ vào đó thực hiện. Những bệnh viện đủ trình độ có thể xây dựng những quy định riêng của mình dựa trên thông tư hướng dẫn của Bộ y tế. Hoặc có thể áp dụng mô hình QLCL khác với điều kiện mô hình đó có cơ sở dữ liệu và bộ chỉ số về chất lượng (bộ chỉ số này phải được đo lường và phải được công bố chỉ số chất lượng hàng năm)…
Khuyến khích báo cáo sai sót y khoa
Tiến Sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng CQLKCB nhận định, nói đến chất lượng bệnh viện thường gắn liền với an toàn cho người bệnh. Đây cũng là nội dung chính mà các tiêu chuẩn chất lượng cũng như những quy định khám chữa bệnh hướng đến. Việc học tập từ sai sót cũng là một cách đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Thế nhưng, việc tiếp cận sai sót để giải quyết ở ngành y tế còn nặng về quy trách nhiệm cá nhân, chưa nhìn nhận lỗi thuộc về hệ thống tổ chức. Đó là văn hóa buộc tội trong quản lý chất lượng bệnh viện.
Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục QLKCB cho biết, Cục QLKCB khuyến khích các cơ sở y tế lập hệ thống báo cáo sai sót y khoa. Thế nhưng, qua những đợt đi kiểm tra các cơ sở y tế, hầu hết sổ ghi chép sự cố y khoa đều để giấy trắng. Có thể thấy, hiện nay mọi người rất có định kiến về những sai sót trong y khoa. Khi quy kết những cá nhân liên quan trực tiếp đến sự cố, sẽ dẫn đến văn hóa dấu sự thật. Bởi vì, trước sự tấn công của dư luận như vậy không ai lại muốn báo cáo khi có sai sót, dù có những việc xảy ra một cách khách quan. Và khi lãnh đạo không biết nguyên nhân gốc sẽ không biết cách khắc phục. Dẫn đến, chỉ quy kết các cá nhân liên quan. Đây chính là cách làm kém hiệu quả.
Ông Phạm Đức Mục cho biết thêm: “Không nên định kiến và phải cởi mở với những sai sót. Sự cố xảy ra cần có những thao tác để xác định nguyên nhân đó là do con người hay do thiết bị khám bệnh. Về mặt quản lý, chúng ta nên thiết lập một hệ thống thu thập nghiên cứu, phân tích nguyên nhân gốc của các sự cố. Hiện tại, các nước trên thế giới khuyến khích báo cáo “mù”. Tức là không quan tâm đến việc sự cố xảy ra ở đâu? Ai liên quan đến sự cố. Mà cái gì đang xảy ra và xảy ra như thế nào? Vấn đề bệnh do thầy thuốc gây nên không ai muốn. Bác sĩ muốn làm tốt công việc của mình, nhưng đôi khi sự cố ngoài ý muốn vẫn có thể xảy ra. Tất cả chúng ta ai cũng trăn trở, và người dân lại dễ quy những vụ này là do tắc trách. Môi trường làm việc tại bệnh viện có rất nhiều áp lực, nên không thể không có sai sót kể cả những quy định hành chính. Chúng ta nên chia sẻ với những người thầy thuốc, điều dưỡng có liên quan đến sự cố y khoa. Và khi thực hành tốt QLCL bệnh viện, chắc chắn các bệnh viện sẽ tạo ra được sự an tâm cho bệnh nhân khi đến điều trị, cũng như tránh được văn hóa buộc tội”.
Hướng tới tổ chức giám sát QLCLBV
Theo Ông Lương Ngọc Khuê, trừ một số bệnh viện triển khai ISO, hầu hết các cơ sở y tế chưa công bố chính sách chất lượng. Hoạt động QLCL còn mang tính cục bộ, chưa có sự lan tỏa đến từng thành viên của đơn vị đó. Chưa có nhân lực chuyên trách về QLCL ở các cấp ngành y. Bên cạnh đó, việc giám sát các cơ sở y tế thực hiện chuẩn rất yếu, chưa có cuộc kiểm tra riêng về QLCL, cũng như chưa có nhóm theo dõi, giám sát ở phạm vi bệnh viện, khoa. Ngành y tế chưa có chỉ số chất lượng để đánh giá chất lượng có hệ thống. Trong khi đó, các tài liệu hướng dẫn chuẩn trên thế giới thay đổi nhanh, Việt Nam chưa cập nhật kịp thời.
Ông Nguyễn Trọng Khoa khẳng định, khi Thông tư hướng dẫn thực hiện QLCL bệnh viện được ban hành, các bệnh viện phải lập được một phòng hoặc tổ “Hội đồng chất lượng” để quản lý các công tác đảm bảo chất lượng của bệnh viện. Và chúng ta sẽ đánh giá chất lượng bệnh viện do Hội đồng Quốc gia về chất lượng trong khám chữa bệnh tiến hành dựa trên bộ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia. Các bệnh viện vẫn có thể áp dụng các mô hình quốc tế phù hợp với mục đích, điều kiện của cơ sở nhưng vẫn phải đảm bảo theo bộ tiêu chất lượng của Bộ y tế . Đồng thời, sẽ có biện pháp chế tài để các bệnh viện thực hiện QLCL. Ví dụ khi đạt được tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam , bệnh viện đó sẽ được thu 100% giá viện phí. Ngược lại, không đạt sẽ chỉ thu được 80% giá viện phí…
Lan Phương - TTXVN