Từ khi có Chỉ thị 40, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 30,8 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Sau thời gian thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Hiện nay, các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội ngày càng tăng; dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể đạt trên 3.470 tỉ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, với 3.286 tổ tiết kiệm và vay vốn…
Thông qua bình xét của địa phương, các hội đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ ưu đãi vay đối với 17.449 hộ còn dư nợ; tổng dư nợ trong đồng bào dân tộc đạt trên 167 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau tại khu dân cư, khóm, ấp ở các địa phương ngày càng gắn bó hơn, các thành viên tổ cùng giúp nhau sản xuất, kinh doanh để nhanh chóng thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
Đánh giá về hoạt động tín dụng chính sách tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho rằng: Sóc Trăng là một trong những địa phương thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư có bài bản nên tạo được sự lan tỏa sâu rộng từ tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn đến các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm, tổ vay vốn và đến tận các hộ vay vốn. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Chỉ thị này đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương. Đặc biệt vốn hỗ trợ đã tích cực ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Sóc Trăng còn khoảng 8%, mỗi năm giảm từ 3-4% hộ nghèo, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer giảm nhanh hơn, khoảng trên dưới 4% mỗi năm, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương…