Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết với chủ đề Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ghi nhận những kết quả nổi bật trong công tác dân tộc của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như không ngừng nâng cao đời sống, phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc tại Thành phố trong thời kỳ hội nhập.
Bài 1: Thành phố nghĩa tình của đại gia đình các dân tộc
Là đô thị lớn nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có đủ đại diện các dân tộc của Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc. Sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em tại Thành phố đã góp phần tạo nên sức mạnh nội tại cho mỗi cộng đồng các dân tộc thiểu số, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố.
Ngôi nhà chung của các dân tộc anh em
Tính đến năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 53 dân tộc thiểu số sinh sống, gồm 103.092 hộ với 453.317 nhân khẩu, chiếm khoảng hơn 5% dân số toàn Thành phố. Những dân tộc có quy mô số dân trên 1.000 người tại Thành phố là Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mường, Nùng, Thái, Ê Đê và Gia Rai. Trong đó, có 3 dân tộc chiếm số đông là dân tộc Hoa với 377.162 người, dân tộc Khmer 42.415 người và dân tộc Chăm 9.796 người. Đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen rải rác ở khắp các quận, huyện của Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh được coi là một nơi "đất lành chim đậu" của những người dân nhập cư. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và phát triển năng động của Thành phố cũng đã và đang mang đến nhiều thách thức cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu xã hội, trình độ học vấn và mặt bằng dân trí của đồng bào dân tộc nhìn chung còn thấp hơn so với cộng đồng cư dân của Thành phố. Bên cạnh một số đồng bào người Hoa có truyền thống kinh doanh và điều kiện kinh tế khá giả thì nhìn chung đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố có mức thu nhập thấp, việc làm ăn kém ổn định dẫn đến những hạn chế trong điều kiện chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ văn hóa, phát triển giáo dục...
Theo ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc Thành phố, dù cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động; đồng thời nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc nhằm phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh đã vận dụng những chính sách của Trung ương và căn cứ tình hình thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để đưa ra nhiều chủ trương, chính sách đặc thù, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhằm ổn định và phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thành phố khuyến khích các gia đình người dân tộc thiểu số xem trọng đầu tư giáo dục văn hóa cho con em, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến tài, trao tặng học bổng cho học sinh sinh viên học giỏi, tạo điều kiện cho con em người dân tộc yên tâm đến trường, trau dồi kiến thức để trở thành trụ cột gia đình và cộng đồng.
Đánh giá về hiệu quả của công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố, Tiến sỹ Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han), dân tộc Chăm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, nhiều năm qua, bên cạnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh có chính sách đặc thù chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, làm sâu đậm thêm nghĩa tình và sự đoàn kết giữa các dân tộc.
Theo Tiến sỹ Phú Văn Hẳn, các chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ trên địa bàn Thành phố đã góp phần làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc. Công tác giảm nghèo đã góp phần tạo việc làm, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Các điều kiện đảm bảo cuộc sống như sử dụng nhà ở, y tế, giáo dục, sử dụng nước sạch, học tập...được cải thiện đáng kể giúp đưa mức sống cư dân dần ổn định và không ngừng được nâng cao.
Đoàn kết cùng phát triển
Xác định vai trò quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm làm tốt chính sách dân tộc, nâng cao chất lượng sống của đồng bào dân tộc cả về vật chất và tinh thần. Từ đó tạo ra sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của Thành phố.
Các chính sách dân tộc đặc thù trên địa bàn Thành phố tập trung vào các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề; gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào người dân tộc. Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc đã giúp người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại; biết tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm…
Các chương trình cụ thể của chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn Thành phố đã nhận được sự quan tâm tham gia của cả hệ thống chính trị, giúp huy động hiệu quả nguồn lực của toàn xã hội cho công tác dân tộc.
Trong năm 2022, Thành phố đã thực hiện chính sách miễn học phí cho 3.000 học sinh dân tộc Chăm, Khmer với kinh phí trên 2 tỷ đồng, hỗ trợ 50 giáo viên trên 500 triệu đồng…Đặc biệt, Thành phố hỗ trợ cho gần 1.000 đồng bào dân tộc thiểu số vay hơn 1,7 tỷ đồng để sửa chữa nhà cửa, sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên, nhà tài trợ đã tổ chức thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà, tặng học bổng, trao tặng sinh kế nhân dịp lễ, tết truyền thống của các dân tộc đang cư trú trên địa bàn với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc Thành phố, với mục tiêu không để ai ở lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giữa dân tộc thiểu số với mức sống chung của người dân Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023. Các mục tiêu cụ thể của chương trình là phấn đấu giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo và 2% hộ cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ các chiều thiếu hụt cơ bản về y tế, giáo dục, đào tào, việc làm, điều kiện sống, thu nhập…
Thành phố cũng hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tiến sỹ, Hòa thượng Danh Lung (dân tộc Khmer), Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Đảng bộ, chính quyền Thành phố có nhiều chính sách chủ trương về dân tộc, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc có nhiều chính sách, chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc, các tôn giáo, nhân sỹ, trí thức có niềm tin, an tâm nâng tầm nhận thức, học tập, làm việc, cống hiến và sinh hoạt văn hóa, tôn giáo. "Các chính sách, chương trình của Thành phố được triển khai hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực, góp phần giúp người dân các dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo cùng đoàn kết dưới ngôi nhà chung Mặt trận Tổ quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cống hiến, cùng chung tay vun đắp xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày một phồn vinh", Tiến sỹ, Hòa thượng Danh Lung khẳng định.
Bài cuối: Vì sự bình đẳng và phát triển của đồng bào dân tộc