Đây là yêu cầu trọng tâm Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ trong Kế hoạch vừa triển khai nhằm thực hiện Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP (gọi tắt là Kết luận số 757) của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị, việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn thành phố.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì kiểm điểm tập thể Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và cá nhân có liên quan tại thời điểm phát sinh vụ việc. Ủy ban nhân dân thành phố cũng giao Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Thanh tra thành phố, Sở Nội vụ dự thảo kiểm điểm trách nhiệm Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách tại thời điểm phát sinh vụ việc, trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố; theo dõi đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ để báo cáo Chính phủ và Thường trực Thành ủy.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân Quận 7, quận Bình Tân xác định và tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan theo phân cấp quản lý. Thời gian thực hiện việc tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân có liên quan tại các cơ quan, đơn vị có liên quan từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022; từ tháng 1/2022 sẽ thực hiện việc tổ chức kiểm điểm tập thể Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tại thời điểm phát sinh vụ việc. Sau đó Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp kết quả kiểm điểm, báo cáo Thường trực Thành ủy thành phố, Thanh tra Chính phủ và Chính phủ.
Theo Kế luận số 757 của Thanh tra Chính phủ (ban hành ngày 13/5/2021), đối với khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thiếu kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời việc chủ đầu tư không thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng; việc triển khai quy hoạch dự án chậm 15 năm so với tiến độ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số diện tích đất chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí.
Tại Khu công nghiệp Tân Tạo hiện hữu, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Ban Quản lý khu công nghiệp đã cho phép Công ty Đầu tư xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp tập trung Tân Tạo điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền khi để công ty này tự chia tách, điều chỉnh quy hoạch một số khu đất nhằm cho các đơn vị thuê, chuyển nhượng lại đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Thậm chí Ban Quản lý Khu Công nghiệp còn cấp phép xây dựng cho một số nhà đầu tư vượt số tầng so với quy hoạch được Bộ Xây dựng phê duyệt. Các vi phạm có tính chất tương tự cũng được Thanh tra Chính phủ nêu ra khi thanh tra tại dự án Khu công nghiệp Tân Bình, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, Khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng.
Đối với các khu đô thị, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm tại dự án Khu dân cư Lacasa (phường Phú Thuận, Quận 7), dự án Khu dân cư Tầm Nhìn (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân), dự án Khu nhà ở Phước Long B, phường Phước Long B (Quận 9, nay là thành phố Thủ Đức). Theo đó, khu dân cư Lacasa do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư khoảng 3.097 tỷ đồng). Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt giá đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước gần 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đó Ủy ban nhân dân Quận 7 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư Lacasa, trong đó điều chỉnh lại công năng sử dụng một số lô đất, tăng hệ số sử dụng đất từ 5,53 lên 6,69, qua đó làm giảm giá trị quyền sử dụng đất. Ủy ban nhân dân Quận 7 đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 không đúng quy với quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cũng do chính Ủy ban nhân dân Quận 7 phê duyệt trước đó. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng thành phố đã cấp phép xây dựng 2 tầng hầm cho dự án là không đúng với quy hoạch được duyệt (chỉ có 1 tầng hầm) và chưa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Công ty Vạn Phát Hưng đã khởi công thi công khi chưa được chấp thuận chủ đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Thanh tra Chính phủ đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và xử lý các vi phạm về thực hiện đầu tư khi chưa có giấy phép, xác định tiền sử dụng đất, truy thu tiền sử dụng đất do điều chỉnh quy hoạch xây dựng, tăng hệ số và diện tích sử dụng đất.
Tại dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, phường An Phú thuộc Quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức), Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tầng cao xây dựng tối đa 30 tầng trước khi có văn bản chấp chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng của Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng); Ủy ban nhân dân Thành phố không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe đối với khối nhà ở, nhà ở chung cư kết hợp thuơng mại dịch vụ. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phê duyệt đánh giá tác động môi trường dự án không đúng thẩm quyền (thẩm quyền thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đến thời điểm thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chưa thực hiện các thủ tục và chưa tính, chưa thu tiền sử dụng đất theo quy định.
Tương tự, về dự án khu dân cư Tầm Nhìn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) do Công ty Cổ phần Địa ốc Khang An làm chủ đầu tư. Thanh tra Chính phủ kết luận, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép công ty này chuyển mục đích sử dụng toàn bộ gần 6 ha đất (chủ yếu là đất nông nghiệp) để xây dựng khu dân cư khi dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích đất nông nghiệp để xây dựng khu dân cư, không có tên trong danh mục các dự án có nhu cầu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm của thành phố giai đoạn 2001 – 2005 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại dự án này, Ủy ban nhân dân quận Bình Tân phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vượt 10 tầng so với quy hoạch.
Tương tự, Thành tra Chính phủ cũng đã chỉ ra những vi phạm trong việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại nhiều địa chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn cử, dự án cao ốc Madison số 15 Thi Sách, do Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư với tổng diện tích 2.336,9m2. Theo Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định công nhận cho chủ đầu tư thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và làm chủ đầu tư dự án không quá đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay cơ quan tố tụng đã truy tố, xét xử các bị cáo liên quan đến khu đất này trong đó có Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm).
Dự án bất động sản tại 7-9 Tôn Đức Thắng, 9-11 Tôn Đức Thắng (Quận 1) được triển khai trên quốc phòng do Bộ Tư lệnh Hải quân quản lý, sử dụng. Kết luận số 757 của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận để lại cho Bộ Tư lệnh Hải quân toàn bộ số tiền thu được từ chuyển mục đích sử dụng đất là chưa đúng thẩm quyền được quy định tại Điều 72 - Luật Ngân sách số 01/2002/QH11. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã xét xử vụ án liên quan đến bị cáo Đinh Ngọc Hệ và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và Công ty Hải Thành liên quan đến sai phạm tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng.
Cũng trên tuyến đường đắc địa Tôn Đức Thắng, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm tại dự án bất động sản ở số 3C Tôn Đức Thắng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Phước và Công ty 990 làm chủ đầu tư. Diện tích 3.604m2 của khu đất là đất quốc phòng an ninh do Công an thành phố quản lý. Theo Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định giao đất cho 2 doanh nghiệp nói trên không qua đấu giá quyền sử dụng đất, phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất khi chưa có quyết định giao đất. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố rà soát việc góp vốn, việc chuyển nhượng cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp khác, việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và các quy đinh của pháp luật có liên quan.
Một dự án cũng được dư luận đặc biệt quan tâm là khu dân cư số 1 đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Địa ốc Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với diện hơn 12,1ha. Đây là khu đất do Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) tiếp quản, sử dụng từ năm 1975. Theo Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định giao đất cho chủ đầu tư là chưa phù hợp với Luật Đất đai 2003. Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản chấp thuận chủ trương xử lý không dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất cho Bộ Quốc phòng, trong đó có giá trị tiền sử dụng đất của 20% đất xây dựng nhà ở xã hội nêu trên. Đến thời điểm thanh tra, dự án đã hoàn thành, bán hết cho người sử dụng. Thanh tra Chính phủ đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục rà soát, xử lý theo thẩm quyền đối với các nội dung được phát hiện qua thanh tra.
Cũng có nguồn gốc đất công nhưng giao đất không qua đấu giá là dự án chung cư thương mại số đường Kim Biên và số 88 đường Gò Công, Quận 5 do Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Sái Gòn 5 làm chủ đầu tư. Theo Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho công ty làm chủ đầu tư dự án hợp khối 2 vị trí nhà đất nêu trên để đầu tư xây dựng chung cư nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay do dự án bị chậm triển khai, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét để thu hồi dự án.
Tương tự, dự án số 39 - 39B Bến Vân Đồn (Quận 4) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên làm chủ đầu tư có diện tích 6.202m2. Tại dự án này, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định về việc thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Việt Tín (về sau sáp nhập vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên) mà không qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003. Đến nay dự án đã hoàn thành, bán hết cho người sử dụng. Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản nhà nước thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định, không để thất thoát tài sản nhà nước…