Các tuyến đường quá tải
Ghi nhận tại các tuyến đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Bạch Đằng… lượng phương tiện lưu thông luôn rất cao. Dòng xe trên tuyến Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ luôn tấp nập, nối đuôi nhau thành hàng dài. Các điểm thường xuyên ùn ứ giao thông giờ cao điểm là nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh, cầu vượt Hoàng Hoa Thám, cầu vượt Lăng Cha Cả…
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất diễn biến ngày càng phức tạp, tốc độ thoát xe chậm, dòng chờ đèn tín hiệu giao thông kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu là do mật độ phương tiện lưu thông cao vượt quá khả năng thông hành của tuyến. Khu vực sân bay thu hút nhu cầu lưu thông quá lớn, chỉ tập trung lối ra, lối vào trên đường Trường Sơn và nhánh Bạch Đằng.
Do nơi làm việc ở quận Phú Nhuận, anh Nguyễn Thành Trung (ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) thường xuyên phải di chuyển trên tuyến đường qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Anh Nguyễn Thành Trung cho biết, do đưa con đến trường rồi đi lên công ty đúng vào giờ cao điểm sáng (7 giờ 30 phút) nên thường xuyên gặp cảnh kẹt xe trên đường Cộng Hòa. Nhiều hôm anh Trung gặp tắc đường kéo dài nên trễ giờ làm. Buổi chiều về cũng không khá hơn, nhất là những ngày gần đây có thêm mấy hàng rào công trình chiếm dụng một phần mặt đường.
Hiện nay, khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất có các dự án hạ tầng giao thông lớn như Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa… Do đó, khu vực này đang được các đơn vị rào chắn công trình, phần luồng giao thông để gấp rút thi công nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.
Tại dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, gói thầu số 9 xây dựng hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện chiếm dụng phần lớn mặt đường Phan Thúc Duyện. Do nằm ở khu vực lối ra của sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều thời điểm nút giao này ùn ứ các phương tiện.
Cũng tại dự án này, khu vực gần nút giao đường Cộng Hòa - Trường Chinh, hàng rào công trình cũng được thiết lập dọc một đoạn trên đường Cộng Hòa. Sau khi tháo dỡ bức tường tiếp giáp đường C12 và sân bay, các đơn vị đang đẩy nhanh thi công, khiến khu vực này thường ùn tắc vào khung giờ chiều tối (hướng từ trung tâm đi ra).
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), các nhà thầu đang nỗ lực thi công hoàn thành gói thầu số 9 trước ngày 30/7 và thi công hoàn thành toàn bộ công trình cuối năm 2024. Chủ đầu tư đã đề nghị các nhà thầu, tư vấn giám sát huy động tối đa máy móc thiết bị, vật tư, nhân công đẩy nhanh tiến độ thi công; duy trì, triển khai thi công hiện trường xuyên Tết Nguyên đán 2024 để đảm bảo hoàn thành công trình theo tiến độ đã cam kết.
Chủ động chống ùn tắc
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, dịp cuối năm, nhu cầu giao lưu hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, du lịch, lễ hội sẽ tăng cao dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông tại các khu vực cửa ngõ ra vào thành phố. Các khu vực đưa đón hành khách như sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga, bến xe, khu vực giao nhận hàng hóa tại cảng Cát Lái, cảng Trường Thọ cũng rất đông.
Đối với các công trình trọng điểm có kế hoạch thi công xuyên Tết Nguyên đán, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp các chủ đầu tư, thanh tra sở, địa phương kiểm tra để có những giải pháp đảm bảo về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt của nhân dân trong dịp Tết.
Trong thời gian chưa hoàn thành dự án đầu tư, các đơn vị cũng đã thực hiện tăng cường hệ thống cảnh báo, lắp đặt mới biển báo, dải phân cách, các vạch sơn, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu để tăng nhận biết khi vào khu vực.
Theo ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh), để giảm ùn tắc giao thông dịp Tết Nguyên đán, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, không để xảy ra ùn tắc kéo dài, đặc biệt là trên các tuyến dường cửa ngõ, khu vực tổ chức các Lễ hội Xuân, các tuyến đường kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm.
Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị chức năng của TP Hồ Chí Minh và ngành hàng không cũng tăng cường thông tin trên các nhóm phản ứng nhanh, qua đó theo dõi và phối hợp để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tối đa nguy cơ ùn ứ giao thông trên các tuyến đường xung quanh khu vực.
Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác, đặc biệt là chậm khắc phục các bất cập, chậm tái lập mặt đường, không tuân thủ đúng phương án tổ chức phân luồng giao thông…
Tại buổi phát động năm An toàn giao thông 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc quản lý, sử dụng và đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè nhằm đảm bảo cho người dân thành phố, khách du lịch trong và ngoài nước đón Tết Nguyên đán và các hoạt động Lễ hội Xuân 2024.
Đối với các tuyến trục chính ra vào TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Thành phố đề nghị các đơn vị không để bị động trong việc xử lý các tình huống bất ngờ liên quan đến trật tự, an toàn giao thông giúp người dân thuận lợi đi lại dịp Tết.