TP Hồ Chí Minh những ngày giãn cách - Bài 4: Những tấm lòng thơm thảo vì thành phố mang tên Bác

Xưa nay, chúng ta thường hay nhắc đến Thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần luôn "cùng cả nước, vì cả nước" -  trong đại dịch COVID-19, một tinh thần tất cả hướng về thành phố mang tên Bác đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Nhiều hình ảnh đẹp của người dân cả nước tham gia góp sức cho thành phố đã để lại ấn tượng sâu sắc với người dân thành phố. Đó là những tấm lòng vàng vì thành phố mang tên Bác.

Chú thích ảnh
Đại diện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh nhận 10 tấn nông sản của Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh để gửi đến công nhân bị cách ly, phong tỏa tại TP Hồ Chí Minh.

Chung tay hướng về thành phố

Đã hơn nửa tháng nay, các cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đều đi làm từ sớm và trở về nhà lúc nửa đêm. Hết đón hàng hóa, nhu yếu phẩm của các địa phương để chuyển ngay tới các quận, huyện lại đến tiếp nhận, phân phối trang thiết bị y tế, đồ dùng tới bệnh viện, khu tập trung y tế. Công việc của họ tăng lên gấp nhiều lần ngày thường khi những chuyến hàng mang nặng nghĩa tình đồng bào từ khắp nơi tấp nập đổ về chung tay cùng thành phố trong những ngày tháng khó khăn do dịch bệnh.

Nâng niu trái bí xanh với dòng chữ "miền Nam ơi cố lên" ghi vội ngoài vỏ từ lô hàng vừa nhận từ Đắk Lắk, ông Lưu Bình Long, Phó trưởng Ban Phong trào, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chỉ vào những thùng hàng được dán "Chung sức đồng lòng chống dịch", "Yêu thương gửi thành phố mang tên Bác", "Đoàn kết chiến thắng đại dịch" và nói: "Đó là của bà con tỉnh Nghệ An, Cà Mau, Lào Cai và nhiều nơi khác gửi vào thành phố. Trong những lúc khó khăn thế này mới thấy hết giá trị của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những tình cảm đó là nguồn động viên chúng tôi nỗ lực bằng năm bằng mười ngày thường, đồng thời tiếp thêm động lực, niềm lạc quan cho tất cả người dân thành phố trong những ngày khó khăn này".

Ngay sau khi Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch cũng là lúc các phong trào vận động ủng hộ thành phố mang tên Bác được phát động rộng khắp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại Nghệ An có "Tuần lễ vì thành phố mang tên Bác", tỉnh Thanh Hóa có tuần lễ "Hướng về thành phố mang tên Bác", thành phố Huế với "Nghìn cái bánh-nghìn yêu thương", Đà Lạt với những chuyến xe yêu thương chung tay cùng Thành phố Hồ Chí Minh…

Từ bản làng xa xôi của các huyện miền núi Tây Bắc cho đến xóm, ấp vùng đất mũi Cà Mau, những món quà quê thấm đẫm tình nhân ái được quyên góp gấp rút chuyển tới người dân ở khu phong tỏa, cách ly, đối tượng khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đó có khi chỉ là củ măng chặt trên rừng, trái mít hái sau vườn nhà hay lọ lạc rang, mắm ruốc mà các mẹ, các chị thức đêm làm cho kịp chuyến xe gửi vào thành phố cho đến trang thiết bị y tế hiện đại của doanh nghiệp, nhà tài trợ hay tổ chức thiện nguyện đóng góp. Tuy giá trị khác nhau nhưng đều mang theo những tình cảm trân quý của nhân dân cả nước hướng về thành phố mang tên Bác. 

Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, đến nay, thành phố đã nhận được gần 33 tỷ đồng ủng hộ từ chính quyền các địa phương và hàng nghìn tấn hàng hóa gồm trang thiết bị y tế, đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm của nhân dân các tỉnh, thành trên cả nước. Toàn bộ hàng hóa sau khi tiếp nhận đã được hệ thống Mặt trận thành phố phân phối đến người dân nghèo, người gặp khó khăn do dịch bệnh tại khu dân cư, khu vực bị cách ly, phong tỏa và các bệnh viện dã chiến, điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Ngoài ủng hộ qua hệ thống Mặt trận, còn hàng triệu tấm lòng người dân cả nước gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân nghèo, đồng bào thành phố khu vực bị cách ly, phong tỏa qua các bếp ăn nghĩa tình, chương trình thiện nguyện của các tôn giáo, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức thiện nguyện, cá nhân đang miệt mài hoạt động tại thành phố trong những ngày qua. Đằng sau hàng chục tỷ đồng tiền mặt, hàng nghìn tấn hàng là triệu triệu tấm lòng từ mọi nẻo đường đất nước gửi gắm tình yêu, sự động viên và niềm tin về sự chiến thắng đại dịch của người dân thành phố.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ từ ngày 1/7 đến ngày 25/7 đã có 84 công ty, doanh nghiệp tham gia ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế với hơn 3.565 sản phẩm trị giá hơn 1.362 tỷ đồng. Trong đó có những máy móc, thiết bị đặc thù phục vụ công tác điều trị, phòng ngừa COVID-19 như xe cứu thương, máy thở, hệ thống Real-time PCR, hệ thống tách chiết (bán tự động), tủ âm sâu... Các thiết bị này đã được chuyển đến cơ sở y tế phục vụ công tác điều trị, xét nghiệm, qua đó hỗ trợ cứu chữa kịp thời nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Tiếp lực cho tâm dịch

Chú thích ảnh
Đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Hữu Nghị lên đường tới hỗ trợ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Thực hiện lời kêu gọi của Bộ Y tế, hơn 4.100 cán bộ y tế, giảng viên, sinh viên từ các bệnh viện bộ, ngành, Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành, trường đại học y dược trên cả nước đã "hành quân" về tâm dịch cùng hỗ trợ lực lượng y tế thành phố chống dịch.

Dáng người nhỏ bé nhưng khi được tăng cường từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ người Tày Bàn Văn Cường đã xông xáo tới khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp. Mỗi ngày, bác sỹ Cường đi lại như con thoi giữa những bệnh nhân nặng, tất bật giúp bệnh nhân trở mình, đo nhiệt kế, kiểm tra chỉ số sinh tồn...Bác sỹ Cường quyết tâm "bao giờ Thành phố Hồ Chí Minh hết dịch mới trở về".

Cũng trong Đoàn chi viện 79 người của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bác sỹ Trần Thị Tú Linh là người nhỏ tuổi nhất. Trẻ trung, khỏe khoắn, bác sỹ Linh thoăn thoắt làm việc như chạy đua với thời gian. Để tiết kiệm thời gian và đồ bảo hộ, trong suốt 8 tiếng của ca trực, bác sỹ Linh luôn cố gắng "3 không": không ăn, không uống, không vệ sinh. Chưa vướng bận con cái, gia đình, bác sỹ Tú Linh tâm sự sẽ dành hết tâm huyết và sức trẻ để đưa những người bệnh đang nằm ở đây trở về với cuộc sống đời thường.

Cùng với đội ngũ y bác sỹ, những ngày qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lượng lớn sinh viên y khoa của các trường đại học y dược trong cả nước. Nhiều ngày qua, tại các quận, huyện trên địa bàn, 50 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y dược Thái Bình triển khai hỗ trợ lực lượng y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Họ đến từng ngõ, ngách, gõ cửa từng nhà tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, sớm tìm ra F0 còn lẩn khuất trong cộng đồng.

Dầm mưa dãi nắng trong những bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng với những giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y dược Thái Bình khó khăn, gian khổ nào cũng sẽ vượt qua khi trái tim của họ đang hừng hực khí thế nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng Thành phố Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế dự kiến huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế trên toàn quốc giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời bố trí thay đổi nhân lực với các biện pháp luân chuyển, "đảo quân" để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại địa phương này.

Ngay trong ngày 9/7, ngày đầu tiên thành phố thực hiện Chỉ thị 16, nhiều y bác sỹ của các bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quân chi viện cho các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, cần thiết trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh tại thành phố.

Tiến sĩ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã hỗ trợ khoảng 450 nhân lực với nhiều xe cấp cứu, đội cấp cứu chuyên nghiệp để hỗ trợ thành phố trong công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vaccine. Bệnh viện cũng sẵn sàng hội chẩn, đón bệnh nhân nặng phải chạy ECMO về điều trị. Bệnh viện Chợ Rẫy đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để đón thêm 200 bệnh nhân COVID-19 nặng từ các cơ sở điều trị của thành phố chuyển đến.

Cũng trong ngày 9/7, 55 bác sỹ và 103 kỹ thuật viên y sinh của Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã lên đường chi viện cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây là một phần trong tổng lực lượng 100 bác sỹ, 180 điều dưỡng, kỹ thuật viên y sinh mà Bệnh viện Đại học Y dược hỗ trợ các cơ sở y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt này.

Chia sẻ về sự quan quan tâm, đồng hành với thành phố trong đợt dịch lần thứ tư này của các bộ, ngành, tỉnh, thành và nhân dân cả nước, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua, thành phố đã đón nhận rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ quý báu của các địa phương, đơn vị như một minh chứng về tình đoàn kết, nghĩa đồng bào bền chặt và là động lực to lớn giúp Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bà Tô Thị Bích Châu khẳng định: Thành phố đang trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, sự chung tay của các doanh nghiệp và toàn xã hội sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để Thành phố Hồ Chí Minh vững vàng chống dịch, cuộc sống được bình thường, doanh nghiệp hoạt động trở lại, các địa phương - các vùng trời sẽ tiếp tục được kết nối, phát triển.

Bài cuối: Hạ quyết tâm để không còn giãn cách 

Xuân Khu – Đinh Hằng (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh những ngày giãn cách - Bài 3: Đồng lòng vì tương lai bình thường mới
TP Hồ Chí Minh những ngày giãn cách - Bài 3: Đồng lòng vì tương lai bình thường mới

Có thể nói, đi đến quyết định áp dụng Chỉ thị 16 là một quyết định vô cùng khó khăn của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và của cả Chính phủ. Và với người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất khó khăn khi trước đó đã trải qua các đợt giãn cách xã hội. Thế nhưng cùng chung mong muốn sớm đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường, tất cả đều đồng lòng, chung sức đoàn kết vượt qua khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN